Mohs

31/07/2023 12:11 GMT+7

Phẫu thuật Mohs còn được gọi là Vi phẫu Mohs là một phương pháp điều trị các tổn thương ung thư da. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ từng lớp da mỏng, từng lớp một và kiểm tra từng lớp dưới kính hiển vi để xác định xem còn tế bào ung thư hay không. Quy trình này tiếp tục cho đến khi chỉ còn mô không bị ung thư.

Lịch sử

Kỹ thuật này được phát triển bởi Tiến sĩ Mohs vào những năm 1930. Quy trình ban đầu được đặt tên là “phẫu thuật hóa học” (chemosurgery), vì kỹ thuật này liên quan đến việc áp dụng chất cố định hóa học (muối clorua kẽm) vào khối u tại chỗ. Sau 24 giờ cố định tại chỗ, khối u được cắt bỏ và kiểm tra bằng kính hiển vi. Quá trình này được lặp lại cho đến khi khối u được loại bỏ hoàn toàn. Trong những thập kỷ tiếp theo, phẫu thuật Mohs đã chuyển từ việc sử dụng chất cố định hóa học là kẽm clorua sang việc xử lý mô tươi đông lạnh và cắt bằng máy cắt tiêu bản siêu lạnh (cryostat microtome). Kỹ thuật này mang lại một số ưu điểm so với kỹ thuật phẫu thuật hóa học ban đầu, chẳng hạn như thời gian xử lý nhanh hơn (15 đến 30 phút), giảm sự khó chịu của bệnh nhân và tăng khả năng bảo tồn mô lành.

Ban đầu, loại phẫu thuật này không được biết đến rộng rãi. Vào giữa những năm 1960, bác sĩ Perry Robins đã nghiên cứu phương pháp phẫu thuật này với bác sĩ Mohs và nhận ra rằng nó có tiềm năng lớn đối với lĩnh vực da liễu. Bác sĩ Robins đã thành lập chương trình đào tạo nghiên cứu sinh đầu tiên để dạy các bác sĩ da liễu về loại phẫu thuật ung thư da này. Ông đã giúp phát triển phương pháp phẫu thuật Mohs, tiếp tục giảng dạy và quảng bá nó trên khắp thế giới.

Kể từ khi phát triển, phẫu thuật Mohs đã được cải tiến thành phương pháp điều trị ung thư da chính xác và tiên tiến nhất, mang lại tỷ lệ thành công lên tới 99%. Phẫu thuật Mohs rất hiệu quả vì nó đánh giá các mô xung quanh ung thư kỹ lưỡng hơn các kỹ thuật phẫu thuật ung thư da truyền thống. Do đó, nó được coi là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng cho các bệnh ung thư da có nguy cơ cao, chẳng hạn như ung thư da ở vùng đầu, cổ hoặc những loại ung thư da diễn tiến nhanh.

Phẫu thuật Mohs được thực hiện ở loại ung thư da nào?

Phẫu thuật Mohs có thể điều trị:

- Ung thư biểu mô tế bào đáy

- Ung thư biểu mô tế bào vảy

- Ung thư tế bào hắc tố (melanoma)

- Các dạng ung thư da khác

Bác sĩ có thể chọn phẫu thuật Mohs để điều trị bệnh ung thư da trong các trường hơp sau:

- Kích thước lớn

- Có xâm lấn

- Ung thư nằm ở khu vực nhạy cảm, nơi cần hạn chế tối đa việc loại bỏ các mô khỏe mạnh bình thường, chẳng hạn như đầu và cổ, ngón tay, ngón chân hoặc bộ phận sinh dục.

- Trên bệnh nhân có hệ miễn dịch bị ức chế do cấy ghép nội tạng, ung thư hạch hoặc nguyên nhân khác

- Tái phát sau lần điều trị trước

Các bước phẫu thuật Mohs

Phẫu thuật Mohs

Các bước chính của Phẫu thuật Mohs. Ảnh: www.aad.org

Phẫu thuật Mohs có thể được thực hiện tại khoa ngoại trú (không phải nằm viện). Bác sĩ sử dụng thuốc gây tê cục bộ tại vùng da cần phẫu thuật. Sau khi tiêm thuốc tê, bác sĩ phẫu thuật sử dụng dao mổ để loại bỏ các lớp da mỏng hình đĩa một cách tuần tự.

Lập bản đồ và đánh dấu vùng phẫu thuật là bước quan trọng của quá trình phẫu thuật, vì nó giúp bác sĩ phẫu thuật xác định nơi vẫn còn tế bào ung thư và loại bỏ từng lớp da một cách chính xác.

Một số trường hợp thư ăn sâu vào các lớp bên dưới da, có vẻ nhỏ trên bề mặt nhưng lại phát triển rộng ra nhiều lớp da bên dưới. Cũng có trường hợp ung thư nông và chỉ cần loại bỏ một vài lớp nhỏ trên bề mặt da.

Sau khi loại bỏ từng lớp mô, mẫu bệnh phẩm được đông lạnh và được kỹ thuật viên cắt thành những lát rất mỏng rồi xử lý trên các tiêu bản. Quá trình này thường mất đến một giờ.

Sau đó, bác sĩ phẫu thuật Mohs xem các tiêu bản dưới kính hiển vi để đánh giá. Nếu phạ hiện vẫn còn tế bào khối u, bác sĩ sẽ dựa vào bản đồ được vẽ trước đó để loại bỏ tiếp một lớp mô ngay tại vùng vẫn còn tế bào ung thư. Quá trình này tiếp tục cho đến khi mô không còn tế bào ung thư. Phương pháp phẫu thuật Mohs giúp bảo tồn tối đa mô lành xung quanh khối u.

Chăm Sóc sau Phẫu thuật Mohs

Bác sĩ phẫu thuật sẽ băng vết thương, và hướng dẫn cách chăm sóc. Có thể bác sĩ sẽ kê toa thuốc mỡ bôi, thuốc uống hoặc hướng dẫn chăm sóc đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tái tạo sau phẫu thuật Mohs

Một số trường hợp phẫu thuật Mohs có thể hoàn toàn không cần phẫu thuật tái tạo, nhưng trong trường hợp cần phẫu thuật tái tạo thì việc tái tạo thường có thể được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật Mohs ngay sau khi loại bỏ ung thư da. 

Nếu phẫu thuật Mohs ở vị trí dễ nhìn thấy hoặc nhạy cảm như mũi hoặc các vùng xung quanh mắt hoặc tai, thì có thể cần ghép da (lấy một mảng da từ nơi khác trên cơ thể) hoặc làm vạt da cục bộ (di chuyển một phần da lân cận) để che đi khuyết điểm và phục hồi chức năng cũng như vẻ ngoài của khuôn mặt.

Các trường hợp nặng cần tái tạo vùng rộng được thực hiện trong phòng phẫu thuật dưới gây mê hoặc gây mê toàn thân. Trong những trường hợp này, bác sĩ phẫu thuật Mohs của bạn có thể phối với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình khuôn mặt hoặc tạo hình mắt. Cần trao đổi cụ thể với bác sĩ phẫu thuật Mohs của bạn để xác định loại phẫu thuật tái tạo mà bạn sẽ cần. 

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

---------------------------------------

Nguồn:

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/mohs-surgery. Truy cập ngày 31/07/2023

https://www.skincancer.org/treatment-resources/mohs-surgery/. Truy cập ngày 31/07/2023

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/mohs-surgery/about/pac-20385222. Truy cập ngày 31/07/2023

https://www.aad.org/public/diseases/skin-cancer/types/common/melanoma/mohs-surgery. Truy cập ngày 31/07/2023

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441833/. Truy cập ngày 31/07/2023