Kháng nguyên
Kháng nguyên (antigen) là những chất khi xâm nhập vào cơ thể người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng. Đây có thể là kháng thể dịch thể hoặc kháng thể tế bào có đặc tính kết hợp đặc hiệu hoặc kích thích đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên ấy.
Đáp ứng này có thể dương tính hoặc âm tính. Đáp ứng dương tính nghĩa là cơ thể sinh globulin miễn dịch chống lại, kháng nguyên đã kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể đó. Đáp ứng âm tính là trạng thái khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên, cơ thể dung nạp với kháng nguyên đó, nghĩa là các tế bào miễn dịch đã không đáp ứng để tạo ra kháng thể. Trạng thái này rất quan trọng trong việc cơ thể chấp nhận hay loại trừ các kháng nguyên sau khi xâm nhập vào cơ thể.
Phân loại kháng nguyên
1. Theo tính tương đồng gen học
- Kháng nguyên khác loài (xanoantigen): Kháng nguyên của các loài khác nhau;
- Kháng nguyên đồng loài (alloantigen) nhưng khác gen: Do tính đa dạng gen học mà từng cá thể khác nhau trong một loài có những gen khác nhau;
- Tự kháng nguyên (antoantigen): Bình thường cơ thể không sinh kháng thể chống lại các tổ chức của mình. Trong một số trường hợp (do các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong) làm biến đổi cấu trúc một số kháng nguyên bản thân, biến chúng thành tự kháng nguyên, hệ thống miễn dịch sinh kháng thể chống lại kháng nguyên bản thân, gây ra bệnh tự miễn.
2. Theo bản chất hóa học
- Glucid: Polyosid là những đại phân tử, có tính sinh kháng thể mạnh;
- Lipid: Các lipid đơn thuần không có tính kháng nguyên. Khi lipid gắn với protein hoặc với glucid thì mới kích thích được cơ thể sinh kháng thể;
- Protein: Là loại kháng nguyên phổ biến nhất trong tự nhiên và có tính kháng nguyên tốt nhất.
3. Theo cơ chế gây miễn dịch
- Kháng nguyên phụ thuộc tuyến ức;
- Kháng nguyên không phụ thuộc tuyến ức.
Kháng nguyên (antigen)
4. Theo quyết định kháng nguyên
- Kháng nguyên đa giá: Kháng nguyên, trên phân tử chứa nhiều loại quyết định kháng nguyên;
- Kháng nguyên chéo: Những loại kháng nguyên khác nhau nhưng chứa một hoặc nhiều loại quyết định kháng nguyên giống nhau. Kháng nguyên chéo hay gặp giữa các loại vi khuẩn như E.coli với Shigella hoặc với phế cầu;
- Giá của kháng nguyên (hóa trị của kháng nguyên): Là số lượng tối đa các quyết định kháng nguyên có khả năng kết hợp cùng một lúc với kháng thể tương ứng.
5. Theo đặc tính miễn dịch của kháng nguyên
- Kháng nguyên hoàn toàn (complete antigen) là những kháng nguyên có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch (sinh miễn dịch) và kết hợp đặc hiệu với kháng thể. Kháng nguyên này thường là polypeptid hoặc phức hợp protit;
- Bán kháng nguyên (hapten) là những kháng nguyên không có khả năng kích thích sinh kháng thể nhưng khi gặp kháng thể thì kết hợp đặc hiệu. Bản chất các kháng nguyên này thường là acid nucleic, lipid hoặc polysaccharid.
6. Theo nguồn gốc kháng nguyên
- Kháng nguyên thực vật như phấn hoa, bụi, gây nên tình trạng dị ứng.
- Kháng nguyên vi khuẩn rất phức tạp có ở vỏ, vách, lông, độc tố...
- Kháng nguyên virus ở bề mặt hoặc sâu bên trong.
7. Theo loại tế bào
Là loại kháng nguyên đặc hiệu riêng cho từng dòng tế bào như tế bào lympho B, tế bào lympho T của tổ chức lympho, hay kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu, bạch cầu.
Các xét nghiệm kháng nguyên
Một số xét nghiệm có thể xác định kháng nguyên trên bề mặt của vi khuẩn, mầm bệnh khác nhau. Các xét nghiệm này có thể phát hiện một mầm bệnh lây nhiễm một cách chính xác và nhanh chóng mà không cần phải cấy mẫu, soi dưới kính hiển vi như trước đây vẫn làm.
Ví dụ như xét nghiệm mẫu phân có thể phát hiện ngay các kháng nguyên trên bề mặt của vi khuẩn HP - vi khuẩn xuất hiện ở dạ dày, tá tràng gây viêm loét dạ dày tá tràng. Xét nghiệm kháng nguyên trong phân cho biết rằng bạn có vi khuẩn HP trong ruột.
Các xét nghiệm kháng nguyên khác nhau sẽ giúp chẩn đoán một số bệnh nhiễm trùng và các bệnh lý khác nhau nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm được thời gian chẩn đoán cho bác sĩ và bệnh nhân.
-------------------------------
Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nao-la-khang-nguyen-khang/. Truy cập ngày 10/7/2021
-
BIRADS
31/10/2024 09:51 GMT+7
-
IVF
16/07/2023 10:48 GMT+7
-
Tụy nhân tạo
14/02/2023 19:20 GMT+7
-
Tủy răng
25/09/2021 16:32 GMT+7
-
SARS-CoV-2
24/07/2021 18:49 GMT+7
-
Virus Zika
17/07/2021 13:30 GMT+7
-
ZNF9
17/07/2021 13:02 GMT+7
-
Xanh methylen
17/07/2021 11:44 GMT+7
-
Xanthine
17/07/2021 11:33 GMT+7
-
Wolframin
17/07/2021 11:05 GMT+7
-
Quai động mạch chủ
17/07/2021 10:29 GMT+7
-
Van tim
17/07/2021 08:14 GMT+7