Hồng cầu

09/07/2021 19:54 GMT+7

Tế bào hồng cầu, còn được gọi là hồng cầu, tiểu thể hồng cầu, huyết cầu,..., là loại tế bào máu phổ biến nhất và là phương tiện chính của động vật có xương sống để cung cấp oxy đến các mô cơ thể — thông qua dòng máu chảy qua hệ tuần hoàn.

1. Hồng cầu là gì?

Hồng cầu là một loại tế bào máu, chức năng chính là vận chuyển Oxy. Hồng cầu có chứa Hemoglobin làm nhiệm vụ vận chuyển Oxy từ phổi đến các mô, nhận và vận chuyển CO2 từ các mô trở lại phổi để thải ra ngoài. Ở nhiều động vật bậc thấp, Hemoglobin hòa trong huyết tương. Ở người, Hemoglobin được chứa trong hồng cầu vì nếu ở dạng tự do trong huyết tương, nó sẽ thấm dần qua các mao mạch và bị thất thoát qua nước tiểu. Là một protein, Hemoglobin còn có chức năng đệm kiềm - toan, đây cũng là một chức năng quan trọng của hồng cầu.

Hồng cầu được tạo ra từ các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Tuy là một tế bào nhưng hồng cầu trưởng thành lại không có nhân. Các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu được dùng để xác định nhóm máu. Nhiều hệ thống nhóm máu đã được biết đến, trong đó, sớm nhất và quan trọng nhất là hệ thống nhóm máu ABO.

Dưới kính hiển vi điện tử như hình dưới, tế bào hồng cầu có hình đĩa lõm hai mặt với đường kính khoảng 7,8 μm; chỗ dày nhất là 2,5 μm và không quá 1 μm ở trung tâm. Thể tích trung bình của hồng cầu vào khoảng 85 - 95 fL. Hồng cầu có khả năng biến dạng rất cao mà không bị vỡ, bị rách khi di chuyển qua các mao mạch chật hẹp. Đó là nhờ màng tế bào hồng cầu vừa có tính dẻo dai, lại có thừa khả năng chứa các thành phần bên trong.

Số lượng hồng cầu trong máu phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, chủng tộc, vùng địa lý,...

  • Ở nam giới: 4,2 - 6,0 T/L.
  • Nữ giới: 3,8 – 5,5 T/L.
  • Trẻ sơ sinh: 4,5 – 6,0 T/L.

2. Hồng cầu được sinh ra ở đâu?

Trong những tuần đầu tiên của phôi thai, những tế bào hồng cầu có nhân được tạo ra trong túi noãn hoàng. Ba tháng giữa thai kỳ, gan (chủ yếu), lách và các hạch lympho là những cơ quan tạo hồng cầu (hồng cầu có nhân). Những tháng cuối thai kỳ về sau, chỉ có tủy xương là nơi tạo hồng cầu.

Dưới 5 tuổi, hầu như tủy xương nào cũng tạo hồng cầu. Lớn lên, tủy các xương ống (trừ đoạn gần của xương cánh tay và xương chày) dần dần mỡ hóa và không sản xuất hồng cầu nữa. Sau tuổi 20, hồng cầu được tạo ra trong tủy các xương dẹt (như xương đốt sống, xương ức, xương sườn, xương vai, xương chậu, xương sọ). Càng lớn tuổi, chức năng sinh hồng cầu càng giảm.

Các giai đoạn phát triển của dòng hồng cầu sau tế bào gốc đa năng:

Các tế bào gốc đa năng sinh máu là nguồn tạo ra tất cả các loại tế bào máu, bao gồm hồng cầu. Các tế bào đa năng sinh sôi, một số tế bào con sẽ tiếp tục làm nguồn tế bào gốc đa năng, còn đa số sẽ biệt hóa qua nhiều giai đoạn để thành các dòng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Sự sinh sản và phát triển của các tế bào gốc được điều khiển bởi các protein gọi là các chất kích thích sinh máu, mỗi loại có những đặc điểm riêng. Interleukin-3 là chất kích thích sinh máu tác động lên hầu hết các dòng tế bào máu, trong khi các chất kích thích sinh máu khác chỉ ảnh hưởng đến một vài loại tế bào.

Các chất kích thích sinh máu và phát triển không có vai trò trong sự biệt hóa các dòng tế bào máu. Đây là nhiệm vụ của loại protein khác - các chất kích thích biệt hóa. Các chất cảm ứng (biệt hóa và tăng trưởng) được tạo ra bên ngoài tủy xương. Hồng cầu lưới xuyên mạch, rời tủy xương đi vào máu tuần hoàn. Tàn dư của các bào quan cũng tiêu hết trong vòng 1 đến 2 ngày.

Hình ảnh tế bào hồng cầu

3. Hồng cầu bị tiêu hủy ở đâu?

Trung bình một hồng cầu người sống được 120 ngày kể từ khi rời tủy xương đi vào máu tuần hoàn. Hồng cầu cũng có thể bị các nguyên sinh vật tấn công và phá hủy, điển hình là ký sinh trùng sốt rét,... Với đời sống chỉ khoảng120 ngày, hồng cầu là một trong những loại tế bào được thay thế nhiều nhất của cơ thể.

Tuy không có nhân, ti thể và hệ lưới nội chất, trong bào tương hồng cầu vẫn có một số enzyme thực hiện chức năng chuyển hóa glucose và tạo ra một lượng nhỏ ATP. Đồng thời, các enzyme đó cũng giúp:

  • Gìn giữ sự dẻo dai của màng hồng cầu.
  • Đảm bảo trao đổi ion qua màng tế bào.
  • Giữ sắt trong Hemoglobin dưới dạng hóa trị 2 thay vì hóa trị 3.
  • Ngăn chặn phản ứng oxy hóa của các protein trong hồng cầu.

Mặc dù vậy, theo thời gian, hệ chuyển hóa của hồng cầu ngày càng kém hiệu quả, khiến cho màng hồng cầu trở nên mong manh, dễ vỡ. Do đó, các hồng cầu già sẽ bị vỡ khi đi qua tổ chức chật chội của hệ tuần hoàn, chủ yếu là tại lách và gan. Tủy đỏ của lách có cấu trúc vách mà hầu hết các hồng cầu đều phải đi qua. Cấu trúc này chỉ rộng vẻn vẹn có 3 μm (trong khi hồng cầu có đường kính trên dưới 7,5 μm). Ở những người bị cắt bỏ lách, lượng hồng cầu bất thường lưu thông trong máu tăng lên đáng kể.

Sự hủy Hemoglobin:

Khi hồng cầu vỡ ra và phóng thích Hemoglobin chứa bên trong, Hemoglobin gần như lập tức được hấp thụ bởi các đại thực bào tại khắp nơi trong cơ thể nhưng chủ yếu là bởi các tế bào Kupffer ở gan và các đại thực bào ở lách và tủy xương.

Vài giờ đến vài ngày sau, các đại thực bào sẽ “nhả” sắt lấy từ Hemoglobin trở lại máu. Sắt được chuyên chở đến tủy xương để tạo hồng cầu mới hoặc đến gan và các mô khác để dự trữ.

Thành phần porphyrin của Hemoglobin sau khi trải qua một loạt các biến đổi, trở thành sắt tố mật (tức bilirubin). Chất này theo tĩnh mạch lách đổ vào tĩnh mạch cửa vào gan, được gan sử dụng để tổng hợp mật phục vụ cho tiêu hóa.

4. Thiếu hồng cầu có nguy hiểm không?

Chức năng chính của hồng cầu là vận chuyển Oxy và cân bằng kiềm - toan cơ thể. Vậy, thiếu hồng cầu sẽ dẫn đến giảm khả năng vận chuyển Oxy từ phổi đến các tổ chức và giảm khả năng nhận khí CO2 từ tổ chức đưa về phổi để đào thải ra ngoài.

Bệnh thiếu máu là tình trạng máu có số lượng hồng cầu thấp hơn so với bình thường. Bệnh thiếu máu cũng có thể xảy ra nếu các hồng cầu không chứa đủ hemoglobin. Hemoglobin là một protein giàu chất sắt làm máu có màu đỏ. Protein này giúp các hồng cầu mang oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể.

Các dấu hiệu thiếu máu là cơ thể thấy mệt mỏi do không nhận được đủ hồng cầu vận chuyển oxy, yếu và cũng có thể có các triệu chứng khác như da xanh, khó thở, hoa mắt, chóng mặt (nhất là khi thay đổi tư thế), hay đau đầu, tim đập nhanh, trẻ em chậm phát triển,...

Khi có các dấu hiệu như trên, bạn cần đến khám bác sĩ sớm để được tư vấn và xét nghiệm. Xét nghiệm máu thường quy là xét nghiệm đơn giản và phổ biến giúp kiểm tra xem hồng cầu có bình thường không.

 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết Mai

Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

--------------------------------------

Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/hong-cau-la-gi-thieu-hong-cau-co-nguy-hiem-khong/. Truy cập ngày 9/7/2021