Cung lượng tim

21/05/2020 22:53 GMT+7

Máu mang oxy và dưỡng chất đến cung cấp cho các tế bào và thu nhận những sản phẩm đào thải như CO2. Do đó nếu tim bơm quá ít hay quá nhiều máu cũng có thể là triệu chứng của những tình trạng bệnh lý khác nhau.

Một trong những thông số giúp đo lường khả năng bơm máu của tim là Cung lượng tim.  Phương pháp đo cung lượng tim được mô tả đầu tiên vào năm 1870 bởi một nhà sinh lý học người Đức, Adolf E. Fick.

Cung lượng tim là lượng máu mà quả tim bơm vào hệ tuần hoàn trong một phút. Lượng máu được bơm từ tâm thất trái của tim trong một nhát bóp (nhịp đập) được gọi là thể tích một nhát bóp. Thể tích một nhát bóp nhân vói nhịp tim (số lần tim đập trong một phút) sẽ là cung lượng tim. Như vậy cả thể tích nhát bóp và nhịp tim đều ảnh hưởng đến cung lượng tim.

Một người trưởng thành bình thường có cung lượng tim khi nghỉ ngơi khoảng 5 lít máu/phút. Nhưng khi tập thể dục hay chơi thể thao thì cung lượng tim có thể tăng gấp 3-4 lần so với lúc nghỉ ngơi để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất khi vận động cường độ cao.

Cung lượng tim thấp: Khi tim không bơm máu đủ để cung cấp cho các mô trong cơ thể. Cung lượng tim thấp có thể là triệu chứng của suy tim, hoặc cũng có thể xảy ra sau khi bị mất quá nhiều máu, bị nhiễm trùng nặng gọi là nhiễm trùng huyết hoặc bị tổn thương tim nặng.

Cung lượng tim cao: Đôi khi trong tình trạng nhiễm trùng huyết, cơ thể phản ứng với nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến giảm huyết áp và suy nội tạng nguy hiểm, bằng cách tăng cung lượng tim. Cung lượng tim cao cũng có thể xảy ra khi cơ thể bị thiếu máu (thiếu các tế bào hồng cầu mang oxy). Khi đó tim bơm máu nhanh hơn gây tăng cung lượng tim trong giai đoạn đầu. Nếu lâu dài không được điều trị có thể gây suy tim, khi đó cung lượng tim sẽ giảm.

Một nguyên nhân phổ biến khác là cường giáp, đó là khi tuyến giáp sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cần thiết, kích thích tim đập nhanh và gây tăng cung lượng tim.

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

------------------------------------------

Nguồn:

https://www.britannica.com/science/cardiac-output

https://www.webmd.com/heart/heart-cardiac-output

https://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=7524