Bạch cầu

27/03/2020 22:47 GMT+7

Bạch cầu (tế bào máu trắng) là một thành phần của máu. Bạch cầu có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc. 

Các tế bào bạch cầu lưu thông trong tuần hoàn máu và giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Tế bào gốc trong tủy xương chịu trách nhiệm sản xuất các tế bào bạch cầu. Sau đó, tủy xương lưu trữ khoảng 80-90% số lượng các tế bào bạch cầu. Khi nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm xảy ra, cơ thể sẽ giải phóng các tế bào bạch cầu để giúp chống lại nhiễm trùng. Trong bài viết này sẽ giúp tìm hiểu thêm về các tế bào bạch cầu, bao gồm phân loại và chức năng của chúng.

Phân loại và chức năng

Bạch cầu gồm có 3 loại chính: bạch cầu hạt, tế bào lympho và bạch cầu đơn nhân.  

Các loại tế bào bạch cầu

Bạch cầu hạt

Bạch cầu hạt là các tế bào bạch cầu có các hạt nhỏ chứa protein. Có ba loại tế bào bạch cầu hạt:

  • Bạch cầu ái kiềm (Bạch cầu hạt ưa base): Chúng chiếm ít hơn 1% tế bào bạch cầu trong cơ thể và thường xuất hiện với số lượng tăng sau một phản ứng dị ứng.
  • Bạch cầu ái toan (Bạch cầu hạt ưa acid): Đây là bạch cầu chịu trách nhiệm đáp ứng với nhiễm trùng mà ký sinh trùng gây ra. Chúng cũng đóng một vai trò trong phản ứng miễn dịch nói chung, cũng như phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Bạch cầu trung tính: Chúng đại diện cho phần lớn các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Chúng hoạt động như những “lao công thu gom rác”, giúp bao quanh và tiêu diệt vi khuẩn và nấm có thể có trong cơ thể.

Tế bào lympho

 Những tế bào bạch cầu này bao gồm:

  • Tế bào B: Còn được gọi là tế bào lympho B, các tế bào này tạo ra các kháng thể để giúp hệ thống miễn dịch gắn kết với phản ứng với nhiễm trùng.
  • Tế bào T: Còn được gọi là tế bào lympho T, những tế bào bạch cầu này giúp nhận biết và loại bỏ các tế bào gây nhiễm trùng.
  • Các tế bào giết tự nhiên: Những tế bào này chịu trách nhiệm tấn công và tiêu diệt các tế bào virus, cũng như các tế bào ung thư.

Bạch cầu đơn nhân (Mono)

Bạch cầu đơn nhân chiếm khoảng 2 - 8% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể. Chúng có mặt khi cơ thể chống lại nhiễm trùng mãn tính. Các bạch cầu đơn nhân nhắm mục tiêu và phá hủy các tế bào gây nhiễm trùng.

Số lượng bình thường của bạch cầu

Theo một bài báo trên American Family Physician, phạm vi bình thường (tính trên một milimét khối) của các tế bào bạch cầu dựa trên tuổi là:

 Tuổi

 Số lượng bình thường/ mm3

 Trẻ sơ sinh

 13000 - 38000

 Trẻ được 2 tuần tuổi 

 5000 - 20000

 Người trưởng thành

 4500 – 11000

Số lượng bạch cầu trong máu của thai phụ vào thời kì tam cá nguyệt thứ 3 dao động trong khoảng từ 5800 – 13200/mm3

Số lượng bạch cầu cao

Số lượng bạch cầu cao có thể do các tình trạng sau đây:

  • Phản ứng dị ứng chẳng hạn như do cơn hen;
  • Những nguyên nhân có thể khiến tế bào chết như bỏng, đau tim và chấn thương;
  • Tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột hoặc viêm mạch máu;
  • Nhiễm vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Các thủ thuật, phẫu thuật khiến tế bào chết cũng có thể gây ra số lượng bạch cầu cao.

Số lượng bạch cầu thấp

Các tình trạng có thể gây giảm bạch cầu bao gồm:

  • Điều kiện tự miễn dịch như lupus và HIV
  • Tổn thương tủy xương, chẳng hạn như từ hóa trị liệu, xạ trị hoặc tiếp xúc với độc tố.
  • Rối loạn tủy xương;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Ung thư hạch;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Thiếu vitamin B-12

Bác sĩ có thể liên tục theo dõi các tế bào bạch cầu để xác định xem cơ thể có đang đáp ứng miễn dịch với nhiễm trùng hay không.

Xét nghiệm bạch cầu

Khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu các chỉ số bạch cầu (WBC) nhằm kiểm tra hoặc loại trừ các tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu.

Mặc dù mẫu máu là phương pháp phổ biến nhất để kiểm tra các tế bào bạch cầu, tuy nhiên cũng có thể kiểm tra các chất dịch cơ thể khác chẳng hạn như dịch não tủy cũng có sự hiện diện của các tế bào bạch cầu.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bạch cầu (WBC) trong các trường hợp như:

  • Kiểm tra dị ứng;
  • Xét nghiệm nhiễm trùng;
  • Xét nghiệm bệnh bạch cầu;
  • Theo dõi sự tiến triển của một số tình trạng bệnh lý;
  • Theo dõi hiệu quả của một số phương pháp điều trị như cấy ghép tủy xương

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

--------------------------------------------

Nguồn: 

http://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoa-kham-benh/phan-loai-va-chuc-nang-cua-bach-cau.html

http://vienyhocungdung.vn/tang-bach-cau-don-nhan-20191120145140501.htm

https://www.vinmec.com/vi/co-the-nguoi/bach-cau-54/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/bach-cau-tang-cao-canh-bao-benh-gi/