Axit Uric

16/06/2021 22:01 GMT+7

Axit uric là một chất được tạo ra khi cơ thể phân hủy các chất được gọi là purin. Purin thường được sản xuất trong cơ thể và cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và đồ uống. Thức ăn và đồ uống có nhiều nhân purin cũng làm tăng nồng độ axit uric như:

  • Hải sản (đặc biệt là cá hồi, tôm, tôm hùm và cá mòi)
  • Thịt đỏ
  • Thịt nội tạng như gan
  • Thức ăn và đồ uống có xirô ngô có hàm lượng fructose cao và rượu (đặc biệt là bia, kể cả bia không cồn)

Hầu hết axit uric hòa tan trong máu và di chuyển đến thận. Từ đó, nó đi ra ngoài theo nước tiểu. Nếu axit uric được sản xuất quá nhiều hoặc không đào thải tốt thì sẽ bị tăng axit uric máu. Tăng axit uric máu có thể hình thành các tinh thể axit uric (hoặc urate). Các tinh thể này có thể lắng đọng trong khớp và gây ra bệnh gút (gout), một dạng viêm khớp có thể gây đau đớn. Chúng cũng có thể lắng đọng trong thận và hình thành sỏi thận.  

Tinh thể của axit uric lắng đọng trong khớp. Ảnh: yersinclinic.com

Nếu không được điều trị, nồng độ axit uric cao cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương xương, khớp và mô vĩnh viễn, bệnh thận và bệnh tim. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ axit uric cao với bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh gan nhiễm mỡ.

Để biết có bị tăng axit uric không thì cần làm xét nghiệm axit uric máu. Đôi khi cũng cần làm thêm xét nghiệm axit uric trong nước tiểu. 

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

-----------------------

Nguồn:

https://www.medicinenet.com/uric_acid/definition.htm. Truy cập ngày 16/6/2021

https://medlineplus.gov/ency/article/003476.htm. Truy cập ngày 16/6/2021

https://medlineplus.gov/ency/article/003476.htm. Truy cập ngày 16/6/2021