HIV - Các loại xét nghiệm
Hiện tại có 3 loại xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán các trường hợp nhiễm HIV. Ngoài ra bệnh nhân nhiễm HIV có thể được làm thêm các xét nghiệm khác liên quan. Dưới đây là những thông tin tóm tắt về các loại xét nghiệm này.
1. Xét nghiệm kháng nguyên / kháng thể : là những xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất. Xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính thông thường trong vòng từ 18 - 45 ngày sau khi tiếp xúc lần đầu với HIV.
Xét nghiệm này lấy máu tĩnh mạch để tìm kháng nguyên và kháng thể. Kháng nguyên là một phần của virus gây kích hoạt hệ thống miễn dịch. Còn kháng thể là một loại protein mà cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng (như nhễm khuẩn, nhiễm virus...)
2. Xét nghiệm kháng thể: là loại xét nghiệm chỉ kiểm tra kháng thể trong máu. Từ 23 đến 90 ngày sau khi bị nhiễm, hầu hết mọi người sẽ có các kháng thể HIV có thể phát hiện được trong máu hoặc nước bọt.
Loại xét nghiệm này được thực hiện bằng xét nghiệm máu hoặc phết họng, và không cần chuẩn bị. Một số xét nghiệm cho kết quả sau 30 phút hoặc nhanh hơn và có thể được thực hiện tại văn phòng hoặc phòng khám của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
3. Xét nghiệm acid nucleic (Nucleic acid test - NAT)
Loại xét nghiệm đắt tiền này không được sử dụng để sàng lọc thông thường. Xét nghiệm này thường chỉ dành cho những người có triệu chứng sớm của HIV hoặc có yếu tố nguy cơ đã biết (VD như nghi bị phơi nhiễm với HIV trong vòng vài tuần trước). Xét nghiệm này không tìm kiếm kháng thể mà nó tìm chính virus HIV. Mất từ 5 đến 21 ngày để phát hiện HIV trong máu. NAT là loại xét nghiệm cho kết quả dương tính đầu tiên nếu bị phơi nhiễm với HIV.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về xét nghiệm HIV phù hợp với bạn. Nếu bất kỳ xét nghiệm nào trong số này là âm tính, bạn vẫn có thể cần xét nghiệm theo dõi vài tuần đến vài tháng sau để xác nhận kết quả.
Nếu bạn đã được chẩn đoán nhiễm HIV, điều quan trọng là tìm một chuyên gia được đào tạo về chẩn đoán và điều trị HIV để giúp bạn:
- Xác định xem bạn có cần làm xét nghiệm bổ sung không
- Xác định liệu pháp kháng virus HIV (ART) nào sẽ tốt nhất cho bạn
- Theo dõi diễn tiến và chăm sóc sức khỏe của bạn
Nếu bạn được chẩn đoán là nhiễm HIV / AIDS, một số xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh và liệu pháp điều trị tốt nhất, bao gồm:
- Đếm số lượng tế bào Lympho T CD4. Các tế bào lympho T CD4 là các tế bào bạch cầu mà virus HIV nhắm mục tiêu để phá hủy. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, nhiễm HIV vẫn tiến triển thành bệnh AIDS khi số lượng tế bào lympho T CD4 của bạn giảm xuống dưới 200.
- Tải lượng virus (HIV RNA): Xét nghiệm này đo lượng virus trong máu của bạn. Sau khi bắt đầu điều trị HIV, mục tiêu là đưa tải lượng virus về ngưỡng không thể phát hiện được. Điều này làm giảm đáng kể khả năng nhiễm trùng cơ hội và các biến chứng khác liên quan đến nhiễm HIV.
- Kháng thuốc: Một số chủng HIV kháng thuốc. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định xem dạng virus bạn bị nhiễm có kháng thuốc hay không và hướng dẫn quyết định điều trị.
Ngoài ra, có thể cần làm thêm các xét nghiệm liên quan đến nhiễm trùng và biến chứng như: Lao phổi, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, tổn thương gan - thận, nhiễm trùng tiểu..
Giai đoạn cửa sổ HIV là gì?
Ngay sau khi phơi nhiễm, HIV bắt đầu sinh sản trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với các kháng nguyên (một bộ phận của virus) bằng cách tạo ra các kháng thể chống lại virus.
Khoảng thời gian giữa phơi nhiễm với HIV đến khi phát hiện kháng thể trong máu được gọi là giai đoạn cửa sổ HIV. Hầu hết mọi người tạo ra kháng thể HIV có thể phát hiện trong vòng 23 đến 90 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Nếu một người làm xét nghiệm HIV trong giai đoạn cửa sổ, thì có khả năng họ sẽ nhận được kết quả âm tính. Tuy nhiên, họ vẫn có thể lây truyền virus cho người khác trong thời gian này. Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể đã bị phơi nhiễm HIV nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính trong thời gian này, thì họ nên lặp lại xét nghiệm trong một vài tháng tới để xác định chắc chắn (thời gian phụ thuộc vào xét nghiệm được sử dụng). Và trong thời gian đó, họ cần sử dụng bao cao su để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV.
Một số người có xét nghiệm âm tính trong giai đoạn cửa sổ có thể được hưởng lợi từ việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (Post-exposure prophylaxis - PEP). Đây là phương pháp dùng thuốc ngay sau khi phơi nhiễm để ngăn nhiễm HIV. PEP cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi phơi nhiễm, không muộn hơn 72 giờ sau khi phơi nhiễm, nhưng lý tưởng nhất là sớm hơn.
Một cách khác để ngăn nhiễm HIV là điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm ( Pre-exposure prophylaxis - PrEP). Kết hợp các loại thuốc chống HIV được sử dụng trước khi có khả năng phơi nhiễm với HIV có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc lây truyền HIV khi sử dụng một cách nhất quán.
Ban Biên tập Y Khoa Online
------------------------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hiv-aids/diagnosis-treatment/drc-20373531. Truy cập ngày 07/08/2019
https://www.healthline.com/health/hiv-aid. Truy cập ngày 07/08/2019
-
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
26/09/2021 15:33 GMT+7
-
MRI
31/05/2020 23:43 GMT+7
-
Amylase máu và nước tiểu
28/05/2020 18:02 GMT+7
-
Sàng lọc sơ sinh
07/05/2020 09:08 GMT+7
-
C-Peptide
06/05/2020 22:04 GMT+7
-
Soi cổ tử cung
28/04/2020 19:04 GMT+7
-
Peptide C
27/04/2020 11:06 GMT+7
-
PAP smear (Xét nghiệm PAP)
06/04/2020 16:03 GMT+7
-
Phết tế bào cổ tử cung
06/04/2020 14:44 GMT+7
-
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI)
06/04/2020 00:09 GMT+7
-
HSG
21/03/2020 12:05 GMT+7
-
Cộng hưởng từ
12/02/2020 00:12 GMT+7