Tìm hiểu về thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) được nhiều người dùng đến, tuy nhiên không phải ai cũng lưu ý đến tác dụng phụ và những ảnh hưởng đến sức khoẻ do thuốc này gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về NSAIDs.
1. Thuốc kháng viêm không steroid là gì?
Thuốc kháng viêm không chứa steroid, tên viết tắt tiếng Anh là NSAIDs (Nonsteroidal Anti-inflammatory Drugs) là loại thuốc thường được sử dụng để giảm đau, chống viêm, có hoặc không có hạ sốt, mà không cần phải có đơn kê của bác sĩ.
Thuốc kháng viêm không steroid không có nhóm steroid trong cấu trúc (khác với nhóm kháng viêm corticosteroid có tác dụng phụ giữ muối, nước). Nhóm NSAIDs này có ít nhất 20 chất có cấu trúc hóa học khác nhau nhưng cách thức tác dụng tương tự nhau. Một số thuốc kháng viêm không steroid thường gặp là aspirin, naproxen, diclofenac, ibuprofen...
Ngoài ra, nhóm thuốc này còn có mặt trong các loại kem, gel bôi tại chỗ hoặc miếng dán ngoài da (Salonpas, Voltaren emugel...).
2. Cơ chế & tác dụng của thuốc kháng viêm không chứa steroid
Thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, và có thể chống kết tập tiểu cầu. Tùy theo từng loại thuốc mà mức độ của các tác dụng này sẽ biểu hiện ít hoặc nhiều. Cơ chế:
Tác dụng kháng viêm:
Prostaglandin là các nhất hóa học gây nên phản ứng viêm trong cơ thể. Thuốc kháng viêm không steroid ức chế men cyclooxygenase, làm ức chế sự tổng hợp prostaglandins, do đó có tác dụng kháng viêm.
Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng ức chế các kinin, là chất trung gian hóa học của phản ứng viêm. NSAIDs giúp làm bền vững màng lysosome của đại thực bào, giúp giải phóng các enzym tiêu thể và các ion superoxyd dẫn đến giảm quá trình
Tác dụng hạ sốt:
Khi vi khuẩn, nấm, độc tố... (gọi chung là những tác nhân gây sốt ngoại lai) xâm nhập vào cơ thể, khi đó sẽ kích thích bạch cầu sản xuất các chất gây sốt nội tại. Chất này hoạt hóa men cylo-oxygenase (COX) tổng hợp prostaglandins (nhất là prostaglandin E1 và E2). Prostaglandins sẽ gây sốt do làm tăng quá trình tạo nhiệt (rung cơ, tăng hô hấp, tăng chuyển hóa) và giảm quá trình thải nhiệt (co mạch da...). Thuốc hạ sốt do ức chế COX làm giảm tổng hợp prostaglandins do đó làm giảm quá trình gây sốt nên có tác dụng hạ sốt.
Tác dụng giảm đau:
NSAIDs ức chế sinh tổng hợp Prostaglandin F2 alpha (PGF2 alpha), làm giảm tính cảm thụ của các đầu dây thần kinh cảm giác với các chất gây đau như histamin, serotonin...giúp người bệnh giảm đau. Thuốc NSAIDs được dùng trong các cơn đau nhẹ và vừa như đau răng, đau đầu, đau khớp, không có tác dụng giảm đau mạnh như nhóm giảm đau opioid (VD morphin).
Chống kết tập tiểu cầu: một số thuốc trong nhóm NSAIDs có thể ức chế enzym thromboxan synthetase, làm giảm tổng hợp thromboxan A2 là chất làm đông vón tiểu cầu. Do vậy thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu.
Phân loại thuốc kháng viêm không steriod
NSAIDs ức chế enzyme cyclooxygenase (COX), ngăn không cho tạo ra prostaglandins. Trong cơ thể có 2 loại COX: COX-1 và COX-2.
COX-1 có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, trong khi COX-2 gây nên phản ứng viêm. Dựa theo việc ức chế men COX nên NSAIDs được chia làm 2 loại:
NSAIDs ức chế không chọn lọc: Nghĩa là chúng ức chế cả men COX-1 và COX-2. Thuốc NSAIDs ức chế không chọn lọc thường gây tác dụng phụ là loét, xuất huyết dạ dày tá tràng. Hầu hết các thuốc NSAIDs thuộc loại này, bao gồm: aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac, indomethacin, ketoprofen, piroxicam...
NSAID ức chế chọn lọc: Đây là những thuốc chủ yếu ức chế COX-2, ít ức chế COX1 hơn, do đó ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn. Nhóm này có meloxicam (Mobic), Celecoxib (Celebrex), Arcoxia (etoricoxib).
Chỉ định và chống chỉ định của NSAIDs
Thuốc được chỉ định trong:
Bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng...
Bệnh hệ thống (Lupus ban đỏ, xơ cứng bì toàn thể...)
Thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau vai gáy, đau thần kinh tọa...
Các bệnh lý phần mềm do thấp như viêm khớp vai, viêm lồi cầu xương cánh tay...
Chống chỉ định tuyệt đối đối với những bệnh nhân sau:
Người bệnh mắc bệnh lý chảy máu không kiểm soát
Có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc
Tình trạng loét dạ dày, tá tràng đang tiến triển
Suy gan mức độ nặng
Suy thận
Phụ nữ mang thai ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú.
Cần lưu ý gì khi sử dụng NSAIDs?
Khi sử dụng một thuốc nhóm NSAIDs với mục đích giảm đau hay chống viêm, thời gian tự điều trị thường không nên kéo dài quá 10 ngày. Liều dùng của thuốc cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi, cân nặng và chức năng gan thận. Nguyên tắc sử dụng thuốc NSAIDs là dùng thuốc ở mức liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể. Mặc dù vậy, tác dụng phụ của thuốc vẫn có thể xảy ra sớm ngay trong tuần đầu tiên sử dụng thuốc. Sau đây là một số biến chứng hoặc tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc nhóm NSAID:
Các nguy cơ với hệ tiêu hóa:
Sử dụng thuốc nhóm NSAID có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, như loét hoặc thủng dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa. Mức độ nguy cơ trên đường tiêu hóa giữa các thuốc NSAIDs là khác nhau, trong đó các thuốc ức chế chọn lọc trên COX-2 (Celebrex, Arcoxia...) thường có nguy cơ thấp hơn. Nguy cơ trên đường tiêu hóa cũng cao hơn trong những trường hợp: người cao tuổi, sử dụng liều cao kéo dài, đã từng bị viêm loét dạ dày tá tràng, sử dụng đồng thời với các thuốc như thuốc chống đông, thuốc NSAIDs khác, thuốc corticosteroid, uống rượu hoặc hút thuốc trong thời gian dùng thuốc. Để hạn chế tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, có thể người bệnh sẽ được sử dụng NSAIDs với một trong số các thuốc bảo vệ đường tiêu hóa như: misoprostol, các thuốc ức chế tiết acid thuốc nhóm ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole hoặc nhóm đối kháng thụ thể H2 (ranitidine, famotidine...)
Các nguy cơ trên tim mạch:
Thuốc NSAIDs (trừ aspirin liều thấp) có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các tình trạng liên quan. Do đó, NSAIDs không nên được sử dụng để điều trị đau do phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Tránh sử dụng NSAIDs cho bệnh nhân ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và những người có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Do những người mắc bệnh lý tim mạch sẽ có nguy cơ cao hơn, do đó, khi cần thiết phải dùng NSAIDs, thì nên thảo luận kỹ với bác sĩ để lựa chọn thuốc và liều dùng phù hợp. Trường hợp người bệnh đang dùng aspirin thì nên thông báo cho bác sĩ biết trước khi dùng NSAIDs bởi vì một số thuốc NSAIDs có thể ảnh hưởng đến tác dụng của aspirin.
Trong khi sử dụng thuốc NSAIDs, nếu phát hiện các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, yếu người một bên, đột nhiên nói ngọng thì cần được thăm khám ngay lập tức.
Nguy cơ suy thận:
NSAID có thể ảnh hưởng đến chức năng thận do thuốc gây giảm tưới máu đến thận. Khoảng 1 - 5% người dùng NSAIDs có thể gặp phải tác dụng phụ trên thận. Mặc dù suy thận cấp không thường gặp nhưng cần hết thức thận trọng với những người người có bệnh lý suy tim, xơ gan, bệnh thận mạn hoặc người bệnh đang có tình trạng mất nước (nôn ói, tiêu chảy...), người bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường có biến chứng thận.
Nguy cơ nhiễm độc gan:
Sử dụng NSAIDs kéo dài hiếm khi gây ra độc tính gan, kể cả dùng liều cao. Biểu hiện độc tính trên gan của NSAIDs chủ yếu là tăng men gan tuy nhiên không thường gặp.
NSAIDs và phụ nữ có thai:
Ngoại trừ aspirin liều thấp, tất cả các NSAIDs đều chống chỉ định dùng trong thai kỳ đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối, do thuốc có nguy cơ gây ra đóng ống động mạch sớm ở trẻ sơ sinh. Paracetamol được cho là thuốc an toàn để giảm đau và hạ sốt, ưu tiên sử dụng ở phụ nữ có thai hơn so với các thuốc NSAIDs.
Mặc dù NSAID có tác dụng giảm đau, chống viêm tốt, tuy nhiên nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ. Khi cần sử dụng thuốc, nên dùng ở mức liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Với những người bệnh có các yếu tố nguy cơ như trên, cần tham khảo chuyên gia y tế để được tư vấn và theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Ngoài ta, cũng cần phải lưu ý thêm những vấn đề sau đây:
Những người mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ cao bị dị ứng nghiêm trọng với NSAIDs.
Người bị dị ứng nghiêm trọng với một NSAIDs có khả năng gặp phản ứng dị ứng chéo với NSAIDs khác.
Sử dụng aspirin ở trẻ em và thanh thiếu niên bị thủy đậu hoặc cúm có liên quan đến sự phát triển của hội chứng Reye, một bệnh gan nghiêm trọng và có thể gây tử vong.
Tương tác của NSAIDs với các thuốc khác
NSAID làm giảm tác dụng của thuốc lợi tiểu và tăng tích tụ lithium do giảm thải trừ.
Ngoài ra, NSAIDs cũng làm giảm khả năng đông máu và do đó làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, khi được sử dụng với các loại thuốc chống đông máu như warfarin sẽ làm tăng khả năng chảy máu nghiêm trọng hoặc biến chứng chảy máu.
NSAID cũng có thể làm tăng huyết áp ở bệnh nhân huyết áp cao.
NSAID làm tăng tác động có hại của cyclosporine lên chức năng thận, tổn thương thận.
Có thể gây tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa khi sử dùng cùng với thuốc ức chế tái bắt giữ serotorin chọn lọc (SSRIs), ví dụ như thuốc chống trầm cảm Prozac (fluoxetine).
Dùng các loại đồ uống có cồn mỗi ngày có thể tăng nguy cơ loét dạ dày tiến triển khi dùng NSAIDs.
Sử dụng NSAIDs cho trẻ em như thế nào?
Luôn luôn cẩn thận khi sử dụng NSAID cho trẻ dưới 2 tuổi. Liều dùng cho nhóm trẻ em này dựa trên cân nặng.
Ibuprofen (Advil, Motrin, Midol) là NSAIDs được sử dụng phổ biến nhất ở trẻ em. Nó cũng là thuốc duy nhất được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 3 tháng tuổi.
Naproxen (Aleve, Naprosyn) có thể sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi.
Mặc dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 3 tuổi, trẻ em từ 17 tuổi trở xuống có thể bị thủy đậu hoặc cúm nên tránh aspirin và các sản phẩm có chứa aspirin.
Cho trẻ uống aspirin có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, một tình trạng nghiêm trọng gây tổn thương gan và não.
Ban Biên tập Y Khoa Việt Nam
------------------------------------------
Nguồn:
https://www.medicinenet.com/nonsteroidal_antiinflammatory_drugs/article.htm
https://vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/nao-la-thuoc-khang-viem-khong-chua-steroid/
https://www.healthline.com/health/pain-relief/otc-anti-inflammatories#types
-
Hậu quả của ngưng thuốc kháng đông ở bệnh nhân Rung nhĩ
06/07/2021 07:50 GMT+7
-
Phân biệt giữa men tiêu hóa & men vi sinh
20/11/2020 09:35 GMT+7
-
Uống aspirin mỗi ngày có ngăn ngừa đột quỵ không?
10/06/2020 09:38 GMT+7
-
Vì sao sử dụng kháng sinh gây tiêu chảy?
25/05/2020 21:39 GMT+7
-
Sử dụng hợp lý các thuốc điều trị bệnh hen phế quản
24/05/2020 17:30 GMT+7
-
Sử dụng thuốc ở người cao tuổi
24/05/2020 11:05 GMT+7
-
Sử dụng an toàn thuốc giảm đau
17/05/2020 16:51 GMT+7
-
Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
15/05/2020 14:48 GMT+7
-
Tương tác thuốc
12/05/2020 22:30 GMT+7
-
Sử dụng thuốc ở trẻ em
29/04/2020 13:14 GMT+7
-
Sử dụng thuốc ở người suy giảm chức năng gan, thận
22/04/2020 12:05 GMT+7
- Sử dụng thuốc ở người suy giảm chức năng gan, thận
- Uống aspirin mỗi ngày có ngăn ngừa đột quỵ không?
- Tương tác thuốc
- Sử dụng thuốc ở trẻ em
- Sử dụng hợp lý các thuốc điều trị bệnh hen phế quản
- Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
- Sử dụng thuốc ở người cao tuổi
- Vì sao sử dụng kháng sinh gây tiêu chảy?
- Sử dụng an toàn thuốc giảm đau