PAP smear (Xét nghiệm PAP)
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm ở nữ giới, đứng thứ ba trên thế giới về tỷ lệ gây tử vong, chỉ sau ung thư vú và buồng trứng. Tất cả phụ nữ đều là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh khi bắt đầu quan hệ tình dục. Tuy nhiên, với xét nghiệm Pap smear, chị em hoàn toàn có thể tầm soát sớm ung thư cổ tử cung. Vậy xét nghiệm Pap smear là gì và bao lâu thì nên làm lại?
XÉT NGHIỆM PAP SMEAR LÀ GÌ?
Xét nghiệm Pap được phát minh và đặt tên theo tên của bác sĩ lỗi lạc người Hy Lạp, Georgios Nikolaou Papanikolaou (1883-1962)
Xét nghiệm Pap smear (còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung), là một xét nghiệm tế bào học để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mặt khác, ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không còn tùy vào việc bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hay trễ.
Pap smear được thực hiện bằng cách thu thập và kiểm tra các tế bào ở khu vực cổ tử cung - một đoạn hẹp nằm dưới tử cung, ngay phía trên âm đạo của nữ giới.
Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap smear có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại cơ hội chữa trị cao hơn cho bệnh nhân. Không những thế, phết tế bào cổ tử cung còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào cổ tử cung, từ đó cho thấy nguy cơ xảy ra ung thư trong tương lai. Thực hiện tầm soát những tế bào bất thường này là bước đầu tiên trong việc ngăn chặn sự phát triển có thể có của bệnh ung thư cổ tử cung.
BẠN CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI LÀM XÉT NGHIỆM PAP?
Để đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm Pap chính xác nhất có thể, bạn cần làm theo những hướng dẫn dưới đây:
Không được quan hệ tình dục trong 2-3 ngày trước khi thử nghiệm.
Để tránh rửa trôi các tế bào bất thường, không sử dụng những thứ như bọt tránh thai, băng vệ sinh, thuốc đặt âm đạo và không thụt rửa trong 2 đến 3 ngày trước khi thử nghiệm.
Thời gian tốt nhất để lên lịch kiểm tra Pap của bạn là ít nhất 5 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt. Mặc dù vẫn có thể thực hiện xét nghiệm trong những ngày “đèn đỏ”, nhưng bác sĩ khuyến cáo nên tránh thời gian có kinh để đạt được kết quả chính xác nhất.
Bạn nên đi tiểu trước khi thực hiện xét nghiệm Pap vì bàng quang đầy có thể khiến bạn bị khó chịu trong khi thực hiện xét nghiệm.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM PAP
Trước khi thực hiện xét nghiệm Pap, bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi cơ bản liên quan đến xét nghiệm, bao gồm:
Bạn có đang mang thai không?
Bạn có sử dụng biện pháp tránh thai hay không?
Những loại thuốc bạn đã dùng gần đây?
Bạn có hút thuốc không?
Lần kinh nguyệt cuối cùng của bạn là khi nào và nó kéo dài bao lâu?
Bạn có bất kỳ triệu chứng, chẳng hạn như ngứa, đỏ hoặc lở loét hay không?
Bạn đã trải qua phẫu thuật hoặc các thủ tục khác trên cơ quan sinh sản của bạn chưa?
Bạn đã bao giờ có kết quả bất thường từ xét nghiệm Pap trước đó chưa?
Phết tế bào cổ tử cung được thực hiện tại phòng lấy mẫu dành riêng cho phụ nữ, bác sĩ là người trực tiếp thực hiện và quy trình này chỉ mất vài phút. Thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thoát y một phần, từ thắt lưng trở xuống. Trong lần đầu thực hiện các xét nghiệm như vậy, bạn có thể cảm thấy ngại đôi chút. Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm, vì Pap smear hoàn toàn không gây đau, rất an toàn mà lại nhanh chóng nữa.
Để thực hiện, bạn cần nằm ngửa trên giường bệnh, trong tư thế thả lỏng, đầu gối cong lại. Tiếp theo, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng chèn một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào bên trong âm đạo. Mỏ vịt giúp mở rộng và cố định thành âm đạo của bạn để bác sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy khu vực cổ tử cung bên trong. Đôi khi việc chèn mỏ vịt vào âm đạo có thể gây ra cảm giác chèn ép đối với vùng xương chậu của bạn.
Sau đó, bác sĩ sẽ dùng bàn chải mềm và một dụng cụ giống như cái thìa để lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Đối với xét nghiệm Pap, rất hiếm khi tình trạng đau hay tổn thương xảy ra, nhưng thường bạn sẽ cảm thấy không quen khi làm lần đầu.
SAU KHI XÉT NGHIỆM PAP
Những điều cần biết về xét nghiệm PAP sàng lọc ung thư cổ tử cung
Hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi xét nghiệm có thể xảy ra sau khi làm xét nghiệm
Bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường của mình ngay sau khi làm xét nghiệm Pap. Hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi xét nghiệm có thể xảy ra. Trong trường hợp bạn bị chảy máu quá nhiều, hãy thông báo với bác sĩ để nhận sự tư vấn và đưa ra giải pháp.
Nếu xét nghiệm Pap cho thấy các tế bào bất thường và xét nghiệm HPV dương tính, bác sĩ có thể đề xuất một hoặc nhiều xét nghiệm bổ sung khác. Xét nghiệm Pap là một công cụ sàng lọc tuyệt vời, nhưng nó không hoàn hảo. Đôi khi kết quả là bình thường ngay cả khi có tế bào cổ tử cung bất thường. Đây được gọi là kết quả xét nghiệm "âm tính giả".
Sàng lọc thường xuyên là rất quan trọng. Bạn nên hỏi bác sĩ về tần suất làm xét nghiệm Pap. Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết tất cả các thay đổi cổ tử cung có thể được tìm thấy bằng cách sàng lọc thường xuyên và điều trị trước khi chúng trở thành ung thư.
CÓ MẤY LOẠI LOẠI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM PAP?
Bình thường: có nghĩa là cổ tử cung của bạn hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng không vì thế mà chủ quan, bạn nên cần xét nghiệm lại theo định kì của bác sĩ để phát hiện và ngăn ngừa sớm ung thư cổ tử cung.
Không đạt yêu cầu: Mẫu tế bào lấy từ cổ tử cung không phải là mẫu tế bào tốt, không đạt yêu cầu nên các bác sĩ không thể đọc được kết quả và bạn cần phải làm lại xét nghiệm một lần nữa mới có thể có được kết quả chính xác.
Tế bào vảy không điển hình có ý nghĩa chưa xác định (ASC-US): có nghĩa phát hiện được những thay đổi ở tế bào vảy. Những sự thay đổi hầu hết là dấu hiệu của tình trạng nhiểm HPV. ASC-US là bất thường phổ biến nhất trong kết quả xét nghiệm Pap.
Tổn thương nội biểu mô vảy độ thấp (LSIL): có nghĩa là những tế bào vảy có sự thay đổi bất thường ở mức độ vừa. LSIL thường bị gây ra bởi tình trạng nhiễm HPV và thường có thể tự thuyên giảm.
Tổn thương nội biểu mô vảy độ cao (HSIL): chỉ những sự thay đổi bất thường ở mức độ nặng hơn so với LSIL. Nó liên quan với tình trạng tiền ung thư và ung thư cao hơn LSIL.
Tế bào vảy không điển hình, chưa loại trừ HSIL (ASC-H): có nghĩa phát hiện được những sự thay đổi ở tế bào cổ tử cung mà cần cân nhắc đến tình trạng HSIL
Tế bào tuyến không điển hình (AGC): Những tế bào tuyến thuộc lớp biểu mô phủ ống trong của cổ tử cung và còn xuất hiện ở nội mac tử cung. Chẩn đoán AGC có nghĩa rằng cần cân nhắc sự thay đổi ở những tế bào tuyến này ở mức độ tổn thương tiền ung thư và ung thư.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV. Có nhiều típ HPV. Một số típ có liên quan đến ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn và dương vật. Một số khác có thể gây ra ung thư ở vùng đầu, cổ. Những típ virus HPV này được gọi là “típ nguy cơ cao”. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung được gây ra bởi 2 típ virus HPV nguy cơ cao là típ 16 và típ 18. Tế bào nhiễm virus HPV sẽ có đặc điểm khác với những tế bào bình thường khi soi dưới kính hiển vi. Những thay đổi bất thường có thể nhẹ hoặc nặng. Sự thay đổi càng nặng thì khả năng dẫn tới ung thư càng cao nếu không được chữa trị.
SAU KHI LÀM PAP SMEAR BAO LÂU THÌ NÊN LÀM LẠI?
Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ nên lặp lại xét nghiệm Pap mỗi ba năm một lần trong độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi. Đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, vấn đề sau bao lâu nên làm lại Pap smear sẽ tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm HPV. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV, một trong những tác nhân phổ biến dẫn đến ung thư cổ tử cung. Do đó, bạn có thể lựa chọn thực hiện đồng thời xét nghiệm Pap và HPV (bộ hai xét nghiệm này gọi chung là Co-testing). Có 2 trường hợp xảy ra ứng với kết quả cận lâm sàng HPV là âm tính hay dương tính.
Trường hợp HPV âm tính (không bị nhiễm HPV): bạn nên ưu tiên thực hiện Co-testing mỗi 5 năm một lần, hoặc tiếp tục làm Pap smear 3 năm/lần.
Trường hợp HPV dương tính (có nhiễm HPV): bệnh nhân cần thực hiện Co-testing trong 12 tháng tiếp theo.
Quy trình xét nghiệm HPV có thể được thực hiện dựa trên mẫu tế bào lấy từ cổ tử cung của phụ nữ, tương tự như Pap smear. Hình thức thực hiện như vậy gọi là “xét nghiệm HPV phân biệt”, nhằm phát hiện hai loại HPV chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là HPV 16 và HPV 18. Đối với trường hợp dương tính với HPV, bạn cần phải làm thêm xét nghiệm HPV phân biệt để kiểm tra xem đó có phải là hai loại HPV gây ra ung thư cổ tử cung hay không.
Nếu nhận thấy một số yếu tố nguy cơ nhất định, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm xét nghiệm Pap với tần suất nhiều hơn, bất kể tuổi tác của bạn là bao nhiêu. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:
Đã chẩn đoán phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap cho thấy có sự xuất hiện của các tế bào tiền ung thư
Đã sử dụng thuốc diethylstilbestrol (một loại estrogen tổng hợp) trước khi sinh
Nhiễm HIV
Hệ thống miễn dịch suy yếu do phẫu thuật ghép tạng, hóa trị hoặc sử dụng thuốc có chứa corticosteroid trong thời gian dài
Có thói quen hút thuốc lá
Như vậy, vấn đề “làm Pap smear bao lâu thì nên làm lại” tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ và sự cân nhắc của người phụ nữ đối với những yếu tố nguy cơ của bản thân.
TẠI SAO CẦN PHẢI LÀM LẠI PAP SMEAR NHIỀU LẦN?
Xét nghiệm Pap smear là phương pháp an toàn và hiệu quả để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào là hoàn hảo cả. Trên thực tế, mặc dù rất hiếm nhưng phết tế bào cổ tử cung vẫn có thể nhận được kết quả âm tính giả - có nghĩa là, kết quả xét nghiệm không phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu ung thư nào, trong khi sự thật là bạn đang có các tế bào bất thường trong cơ thể.
Khi kết quả xét nghiệm là âm tính giả, không có nghĩa là quy trình thực hiện có vấn đề. Nói chung, vẫn có các yếu tố khách quan gây ra kết quả âm tính giả mà chúng ta không thể kiểm soát được, bao gồm:
Số lượng tế bào phết cổ tử cung thu được quá ít
Chưa đủ ngưỡng phát hiện
Các tế bào bất thường bị che khuất bởi các tế bào máu.
Tuy mầm mống ung thư có thể không bị phát hiện qua một lần xét nghiệm Pap, nhưng thời gian dành cho bạn vẫn còn khá nhiều. Ung thư cổ tử cung phải mất vài năm để phát triển. Bên cạnh đó, rất có thể những tế bào bất thường này sẽ không thể “thoát khỏi” trong lần xét nghiệm tiếp theo.
Hơn nữa, việc xét nghiệm Pap smear tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ nhiều lần để kịp thời phát hiện nguy cơ mắc bệnh, từ đó triển khai điều trị sớm nhất có thể.
KHI NÀO CÓ THỂ NGỪNG LÀM XÉT NGHIỆM PAP SMEAR?
Trong một số trường hợp sau đây, bác sĩ sẽ cho ngừng thực hiện xét nghiệm Pap smear:
Phụ nữ sau khi cắt toàn bộ tử cung
Nếu chị em vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung hoàn toàn (bao gồm cả cổ tử cung), bác sĩ sẽ cân nhắc ngừng thực hiện xét nghiệm Pap. Cụ thể:
Nếu phẫu thuật cắt tử cung bắt nguồn từ bệnh lý không liên quan đến ung thư, chẳng hạn như u xơ tử cung, bạn sẽ không phải làm xét nghiệm Pap smear nữa.
Nhưng nếu phẫu thuật cắt tử cung để loại bỏ các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tiếp tục thực hiện phết tế bào cổ tử cung.
Phụ nữ cao tuổi
Ung thư cổ tử cung sẽ điều trị được nếu phát hiện sớm
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện sớm
Xét nghiệm Pap smear thường quy ở phụ nữ ngoài tuổi 65 là không cần thiết, đặc biệt là khi các kết quả trước đây đều âm tính.
Sàng lọc Tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa bằng xét nghiệm Pap smear được xem là “chìa khóa vàng” giúp kết quả điều trị mang lại hiệu quả cao. Qua đó, bệnh nhân giảm nguy cơ tử vong và giảm chi phí đáng kể.
Ban Biên tập Y Khoa Online
-------------------------------------
Nguồn:
https://www.acog.org/patient-resources/faqs/gynecologic-problems/abnormal-cervical-cancer-screening-test-results. Truy cập ngày 06/04/2020
https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/ky-thuat-lay-mau-phet-te-bao-co-tu-cung/. Truy cập ngày 06/04/2020
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nen-sang-loc-pap-smear-tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-bao-lau-mot-lan/. Truy cập ngày 06/04/2020
-
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
26/09/2021 15:33 GMT+7
-
MRI
31/05/2020 23:43 GMT+7
-
Amylase máu và nước tiểu
28/05/2020 18:02 GMT+7
-
Sàng lọc sơ sinh
07/05/2020 09:08 GMT+7
-
C-Peptide
06/05/2020 22:04 GMT+7
-
Soi cổ tử cung
28/04/2020 19:04 GMT+7
-
Peptide C
27/04/2020 11:06 GMT+7
-
Phết tế bào cổ tử cung
06/04/2020 14:44 GMT+7
-
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI)
06/04/2020 00:09 GMT+7
-
HSG
21/03/2020 12:05 GMT+7
-
Cộng hưởng từ
12/02/2020 00:12 GMT+7
-
Chụp HSG
02/02/2020 11:15 GMT+7