Chụp nhũ ảnh

31/10/2024 09:24 GMT+7

Chụp nhũ ảnh là xét nghiệm hình ảnh tầm soát ở những phụ nữ không có triệu chứng hoặc ở những phụ nữ có các triệu chứng nghi ngờ ung thư. Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện hoặc phát hiện sớm ung thư vú, khi nó còn nhỏ và thậm chí trước khi có thể sờ thấy khối u. Đây là lúc điều trị dễ nhất.

Mục đích của chụp nhũ ảnh là gì?

- Chụp nhũ ảnh tầm soát: để tìm kiếm các dấu hiệu ung thư vú ở những phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào ở vú. Mỗi bên vú đều được chụp X- quang, thường từ 2 góc khác nhau.

- Chụp nhũ ảnh chẩn đoán: để quan sát vú khi có các triệu chứng ở vú hoặc nếu thấy điều gì đó bất thường trên kết quả chụp nhũ ảnh tầm soát. Khi đó gọi là chụp nhũ ảnh chẩn đoán. Góc chụp của chụp nhũ ảnh chẩn đoán có thể khác với khi chụp nhũ ảnh tầm soát, để có thêm hình ảnh của vú ở nhiều hướng khác nhau. Ngoài ra, chụp chụp nhũ chẩn đoán cũng được sử dụng để tầm soát những phụ nữ đã được điều trị ung thư vú trước đây.

Thấy gì khi chụp nhũ ảnh?

Chụp nhũ ảnh có thể cho thấy những vùng bất thường ở vú. Dù không thể biết chắc liệu vùng bất thường có phải là ung thư hay không, nhưng nó giúp bác sĩ đánh giá bước đầu và quyết định xem có cần làm thêm xét nghiệm (chẳng hạn như sinh thiết vú) hay không. Chụp nhũ ảnh có thể thấy một số bất thường của vú như:

- Vôi hóa

- Khối u ở vú

- Bất đối xứng

- Biến dạng

Chụp nhũ ảnh hoạt động như thế nào?

Chụp nhũ ảnh được thực hiện bằng một máy được thiết kế chỉ dành riêng để chụp mô vú bằng tia X. Máy chụp tia X với liều thấp hơn so với tia X thông thường dùng để chụp các cơ quan trong cơ thể như chụp X-quang phổi hoặc xương. Máy chụp nhũ ảnh có 2 tấm ép phẳng vú để các mô vú cách xa nhau, giúp cho hình ảnh rõ hơn và sử dụng ít tia X hơn.

Trước đây, chụp nhũ ảnh thường được in trên các tấm phim lớn. Ngày nay, chụp nhũ ảnh kỹ thuật số phổ biến hơn. Hình ảnh kỹ thuật số được ghi lại và lưu dưới dạng tập tin trong máy tính.

Chụp nhũ ảnh

Minh họa chụp nhũ ảnh. Ảnh: cancer.gov

Chụp nhũ ảnh 3D (ba chiều) là gì?

Chụp nhũ ảnh 3D còn được gọi là chụp cắt lớp vú hoặc chụp cắt lớp vú kỹ thuật số. Đối với chụp nhũ ảnh 2D thông thường, khi chụp thì mỗi bên vú được ép từ hai góc khác nhau (một lần từ trên xuống dưới và một lần từ 2 bên). Nhưng đối với chụp nhũ ảnh 3D, máy sẽ chụp nhiều tia X liều thấp khi di chuyển theo một vòng cung nhỏ xung quanh vú. Sau đó, máy tính sẽ ghép các hình ảnh lại thành một loạt các lát cắt mỏng giúp nhìn rõ hơn mô vú trong không gian ba chiều.

Chụp nhũ ảnh 3D

Minh họa chụp nhũ ảnh 3D. Ảnh: broadwaymedicalclinic.com

Chụp nhũ ảnh có an toàn không?

Chụp nhũ ảnh làm vú tiếp xúc với một lượng nhỏ tia xạ. Nhưng lợi ích của chụp nhũ ảnh lớn hơn bất kỳ tác hại nào có thể xảy ra do tiếp xúc với tia xạ. Các máy móc hiện đại sử dụng liều tia xạ thấp để chụp X-quang vú có chất lượng hình ảnh cao. Trung bình, tổng liều cho một lần chụp nhũ ảnh thông thường với 2 góc chụp của mỗi bên vú là khoảng 0,4 millisieverts, hay mSv. (MSv là đơn vị đo liều bức xạ.) Liều bức xạ từ chụp nhũ ảnh 3D có thể dao động từ thấp hơn một chút đến cao hơn một chút so với chụp nhũ ảnh 2D thông thường.

Để hiểu rõ hơn về liều bức xạ, mỗi năm người dân ở Hoa Kỳ thường tiếp xúc với trung bình khoảng 3 mSv bức xạ từ môi trường tự nhiên, được gọi là bức xạ nền. Liều bức xạ được sử dụng để chụp nhũ ảnh tầm soát cả hai bên vú tương đương lượng bức xạ nền từ môi trường tự nhiên trong khoảng 7 tuần.

Nếu nghi ngờ có thể có thai, hãy cho bác sĩ và kỹ thuật viên chụp nhũ ảnh biết. Mặc dù nguy cơ đối với thai nhi là rất nhỏ và chụp nhũ ảnh thường được cho là an toàn trong thai kỳ, nhưng chụp nhũ ảnh tầm soát không được thực hiện thường quy ở phụ nữ mang thai không có nguy cơ ung thư vú cao.

Cần lưu ý gì trước khi chụp nhũ ảnh?

Nếu có thể, hãy đến cơ sở y tế chuyên chụp nhũ ảnh.

Cố gắng đến cùng một cơ sở mỗi lần để có thể dễ dàng so sánh kết quả chụp nhũ ảnh qua từng năm.

Trong trường hợp mới đến một cơ sở y tế lần đầu, hãy mang theo những giấy tờ liên quan (VD chỉ định cho chụp nhũ ảnh của bác sĩ, kết quả sinh thiết hoặc bất kỳ xét nghiệm nào khác liên quan đến vú) đã từng thực hiện trước đó.

Nếu trước đây đã chụp nhũ ảnh tại một cơ sở khác, nhớ mang theo phim và kết quả đến cơ sở mới để so sánh hình ảnh hiện tại và trước đây.

Nên lên lịch hẹn chụp nhũ ảnh vào thời điểm vú không bị đau hoặc sưng, để không có cảm giác quá khó chịu lúc chụp và để có được hình ảnh đẹp. Nên tránh chụp vào tuần lễ ngay trước kỳ kinh.

Vào ngày chụp, không thoa chất khử mùi, chất chống mồ hôi, phấn, kem dưỡng da, hoặc nước hoa dưới cánh tay, trên hoặc dưới ngực vì chúng có thể chứa các chất sẽ hiển thị trên phim chụp X-quang dưới dạng các đốm trắng.

Nên mặc váy hoặc quần sẽ thuận lợi hơn vì chỉ cần cởi áo và áo ngực để chụp nhũ ảnh

Nếu có bất kỳ thay đổi nào gần đây ở vú, hãy báo cho bác sĩ biết trước khi chụp nhũ ảnh vì khi đó có thể phải cần chụp nhũ ảnh chẩn đoán thay vì chụp nhũ ảnh tầm soát để có thể chụp rõ những vị trí đang nghi ngờ.

Cần khai báo với bác sĩ những thông tin tiền sử bệnh lý có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú, chẳng hạn như phẫu thuật, sử dụng hormone, tiền sử gia đình có người thân bị ung thư vú hoặc nếu bạn đã từng bị ung thư vú trước đây.

Những điều cần nói với kỹ thuật viên chụp nhũ ảnh?

Để có được kết quả chụp chất lượng tốt, hãy thông báo cho kỹ thuật viên:

- Về bất kỳ thay đổi hoặc đang có bất kỳ vấn đề nào ở vú

- Nếu có phẫu thuật thẩm mỹ

- Nếu gặp khó khăn khi đứng một mình (khi không có gậy chống)

- Nếu đang cho con bú hoặc nghĩ mình có thể đang mang thai.

- Nếu cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt khi chụp nhũ ảnh.

Những điều cần biết về quá trình chụp nhũ ảnh

Cần phải cởi áo và áo ngực để chụp nhũ ảnh.

Người được chụp và kỹ thuật viên sẽ là những người duy nhất trong phòng trong quá trình chụp nhũ ảnh.

Để có được hình ảnh chất lượng cao, vú cần bị ép lại. Sau khi đặt vú lên máy, kỹ thuật viên sẽ hạ tấm plastic phía trên xuống ép vú trong khoảng 10 đến 15 giây để chụp. Sau đó, vú sẽ được ép từ 2 bên để chụp tiếp.

Nếu chụp nhũ ảnh 3D thì quy trình cũng giống như trên, nhưng máy sẽ di chuyển theo một vòng cung nhỏ, ở phía trên vú hoặc dọc theo bên ngực, cho mỗi lần chụp. Kỹ thuật viên có thể yêu cầu người được chụp nín thở.

Toàn bộ quy trình mất khoảng 20 phút. Thời gian ép vú thực tế chỉ kéo dài khoảng 10 đến 15 giây cho mỗi hình. Vú bị ép có thể gây khó chịu hoặc đau. Hãy báo kỹ thuật viên nếu thấy đau để họ điều chỉnh lực ép sao cho thoải mái.

Nếu là chụp nhũ ảnh tầm soát thì mỗi bên vú sẽ được chụp hai góc. Nhưng đối với một số trường hợp như có túi độn ngực hoặc vú có kích thước lớn, thì có thể cần chụp nhiều ảnh hơn.

Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện gì?

Bác sĩ X quang sẽ xem và đọc kết quả của phim chụp nhũ ảnh. Thông thường là xem vú có bị thay đổi hay có gì bất thường không, ví dụ như các đốm trắng nhỏ gọi là vôi hóa, các vùng bất thường gọi là khối u hay các bất thường khác có thể là dấu hiệu của ung thư.

Nếu có thể, bác sĩ sẽ so sánh phim chụp nhũ ảnh lần này với phim chụp nhũ ảnh cũ để xem có phát hiện nào mới không. Các thay đổi ở vú mà bác sĩ sẽ tìm kiếm bao gồm:

- Vôi hóa: là các cặn canxi nhỏ trong mô vú, nhìn giống như các đốm trắng nhỏ trên phim chụp nhũ ảnh, có thể do hoặc không do ung thư gây ra. Có 2 loại vôi hóa.

Vôi hóa đại thể: Các nốt vôi hóa có kích thước lớn, nhiều khả năng là do lão hóa động mạch vú, do chấn thương cũ hoặc do viêm. Các cặn lắng canxi này thường không phải do ung thư và không cần làm sinh thiết vú. Vôi hóa đại thể phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi (đặc biệt là sau 50 tuổi).

Vôi hóa vi thể: Là những đốm canxi nhỏ trong vú, thường đáng lo ngại hơn vôi hóa đại thể, nhưng không phải lúc nào cũng là bị ung thư. Hình dạng và vị trí xuất hiện của vôi hóa có (VD gần khối u) sẽ giúp bác sĩ X quang đánh giá trường hợp vôi hóa vi thể này có phải là do ung thư gây ra hay không.

Trong hầu hết các trường hợp, vôi hóa vi thể không cần phải kiểm tra bằng sinh thiết. Nhưng nếu nghi ngờ, bác sĩ cũng có thể cho làm sinh thiết vú để kiểm tra ung thư.

- Khối u trong vú: là vùng mô vú bất thường có hình dạng và các bờ ranh giới khiến nó trông khác so với phần còn lại của mô vú trên phim chụp nhũ ảnh. Khối u có thể có hoặc không có vôi hóa. Khối u có thể là dạng u nang (túi chứa dịch không phải ung thư), hoặc u đặc lành tính không phải ung thư (như u xơ tuyến vú, còn gọi là bướu sợi tuyến vú), hay cũng có thể là khối u ác tính (ung thư.)

Bướu sợi tuyến vú trên nhũ ảnh

Chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú hàng năm ở một phụ nữ 57 tuổi, không có triệu chứng phát hiện bướu sợi tuyến vú lành tính tiến triển theo thời gian với hình ảnh vôi hóa (mũi tên) sau 3 năm (ảnh B) và 7 năm (ảnh C). Ảnh: researchgate.com

U nang là túi chứa dịch. U nang đơn giản (túi chứa dịch có thành mỏng) không phải là ung thư và thường không cần phải kiểm tra bằng sinh thiết. Nếu khối u không phải là u nang đơn giản thì đáng ngại hơn, có thể cần sinh thiết để chắc chắn rằng đó không phải là ung thư.

Khối u đặc thì đáng lo hơn u nang, nhưng hầu hết các khối u đặc ở vú không phải là ung thư.

U nang và u đặc có thể có cảm giác giống nhau khi thăm khám bằng tay. Đôi khi nhìn cũng giống nhau trên phim chụp nhũ ảnh. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể cho siêu âm vú vì siêu âm có thể biết bên trong khối u là đặc hay chứa đầy dịch.

Nếu siêu âm vẫn khó phân biệt u đặc hay u nang thì có thể đưa một cây kim nhỏ vào khối u trong quá trình siêu âm để cố gắng hút dịch ra. Nếu khối u biến mất trên siêu âm khi dịch được hút ra, thì đó là u nang và không cần phải kiểm tra thêm.

Nếu khối u không phải là u nang đơn giản (nghĩa là có một phần khối u là đặc hoặc có điểm đáng nghi nào khác), thì có thể cần thêm các xét nghiệm hình ảnh để xem có phải là ung thư hay không. Ví dụ như theo dõi khối u có thay đổi theo theo thời gian hay không bằng chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm thường xuyên, hoặc có thể làm sinh thiết.

- Bất đối xứng: hiện diện các vùng màu trắng nhìn thấy trên phim chụp nhũ ảnh khác với mô vú bình thường (ví dụ như vú bên kia). Có nhiều loại: bất đối xứng cục bộ, bất đối xứng đang tiến triển và bất đối xứng toàn bộ. Cần phải theo dõi hoặc cần làm thêm xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán khác để loại trừ ung thư.

Chụp nhũ ảnh tầm soát hàng năm trên cùng một bệnh nhân (từ trái qua phải tương ứng phim chụp nhũ ảnh từ cũ nhất đến mới nhất) phát hiện hình ảnh bất đối xứng tiến triển, nghi ngờ là do ung thư. Ảnh: healthimaging.com

- Cấu trúc biến dạng: Một vùng mô vú bị biến dạng hoặc bị co kéo về một điểm nào đó. Nguyên nhân có thể là do vị trí của vú trong quá trình chụp nhũ ảnh, do chấn thương hoặc thủ thuật đã thực hiện trên vú trước đó và cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vú.

- Mật độ mô vú: Chụp nhũ ảnh cũng giúp đánh giá mật độ vú. Mật độ mô vú là thông số đo lượng mô xơ và mô tuyến trong vú so với mô mỡ. Mật độ này không liên quan đến kích thước hoặc độ săn chắc của vú.

Mô vú được gọi là “đặc” nếu có nhiều mô xơ và mô tuyến hơn so với mô mỡ trong vú.

Khoảng một nửa số phụ nữ có mô vú đặc. Mô vú đặc không phải là bất thường, nhưng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn một chút.

Mô vú đặc cũng có thể gây khó khăn trong việc phát hiện ung thư trên chụp nhũ ảnh. Nguyên nhân là do mô xơ và mô tuyến vú có màu trắng trên chụp nhũ ảnh, có thể che giấu hình ảnh khối u ác tính cũng có màu trắng. Tuy vậy, không cần làm thêm các xét nghiệm nào khác ngoài chụp nhũ ảnh ở những phụ nữ có mô vú đặc nhưng không có nguy cơ mắc ung thư vú (VD như có đột biến gen, tiền sử ung thư vú trong gia đình hoặc có các yếu tố nguy cơ khác).

Tìm hiểu kết quả chụp nhũ ảnh

Các bác sĩ sử dụng một hệ tiêu chuẩn gọi là Hệ thống dữ liệu và báo cáo hình ảnh vú (BIRADS: Breast Imaging Reporting & Data System) để mô tả những gì họ thấy trên phim chụp nhũ ảnh.

BIRADS là gì?

Là một hệ thống tiêu chuẩn để mô tả các phát hiện và kết quả chụp nhũ ảnh. BI-RADS sắp xếp các kết quả thành các mức độ được đánh số từ 0 đến 6.

Với cách phân độ này, bác sĩ có thể mô tả những gì họ nhìn thấy trên phim chụp nhũ ảnh bằng cùng một thuật ngữ. Điều này giúp việc trao đổi kết quả và theo dõi sau khi chụp nhũ ảnh thuận lợi hơn.

(Lưu ý: Phân độ theo BI-RADS cũng được sử dụng để mô tả kết quả siêu âm vú hoặc chụp MRI vú.)

Các mức độ theo BIRADS:

- BIRADS 0: Dữ liệu chưa đủ để kết luận chính xác, cần bổ sung thêm hình ảnh cũ để so sánh hoặc cần thêm xét nghiệm hình ảnh khác.

- BIRADS 1: Âm tính.

Đây là kết quả xét nghiệm bình thường. Vú trông giống nhau, không có khối u, cấu trúc không bị biến dạng hoặc vôi hóa đáng ngờ. Trong trường hợp này, âm tính có nghĩa là không phát hiện gì mới hoặc bất thường.

- BIRADS 2: Lành tính (không phải ung thư).

Trên phim nhũ ảnh cho thấy có một hay nhiều tổn thương lành tính như vôi hóa lành tính, hach bạch huyết, khối u lành tính.

- BIRADS 3: Có thể là lành tính – Đề nghị theo dõi trong thời gian ngắn.

Tổn thương xác định được trên hình ảnh có thể là lành tính, xác suất ác tính của tổn thương này dưới 2%. Bướu sợi tuyến vú thường được xếp vào nhóm này. Có hai lựa chọn trong trường hợp này là: sinh thiết ngay để có kết quả chắc chắn hoặc tái khám sau 6 tháng để đánh giá lại.

- BIRADS 4: Nghi ngờ ác tính, nên sinh thiết.

Phát hiện bất thường không chắc chắn giống ung thư nhưng có thể là ung thư. Bác sĩ X quang có thể đề nghị sinh thiết. BIRADS 4 có 3 phân độ:

4A: Khả năng ung thư là thấp (hơn 2% nhưng không quá 10%)

4B: Khả năng ung thư  là trung bình (hơn 10% nhưng không quá 50%)

4C: Khả năng ung thư  là cao (hơn 50% nhưng dưới 95%), không cao như BIRADS 5

- BIRADS 5: Rất có khả năng ác tính – Cần có biện pháp phù hợp.

Phát hiện bất thường giống như ung thư và có khả năng cao (ít nhất 95%) là ung thư. Cần phải làm sinh thiết.

- BIRADS 6: Khối u đã được sinh thiết và đã có kết quả xác định là ác tính (ung thư). Cần lên kế hoạch điều trị thích hợp.

Hạn chế của chụp nhũ ảnh

Chụp nhũ ảnh là phương pháp tầm soát ung thư vú tốt nhất hiện nay. Nhưng chụp nhũ ảnh cũng có những hạn chế. Ví dụ, chụp nhũ ảnh không chính xác 100% trong việc xác định có bị ung thư vú hay không; có thể bỏ sót một số loại ung thư và đôi khi phát hiện bất thường tưởng là ung thư nhưng hóa ra không phải là ung thư.

- Kết quả âm tính giả

Chụp nhũ ảnh âm tính giả là hình ảnh trông bình thường mặc dù có ung thư vú.

Phụ nữ có mô vú đặc có nhiều khả năng nhận được kết quả âm tính giả hơn.

Chụp nhũ ảnh âm tính giả có thể khiến phụ nữ có cảm giác an toàn sai lầm, nghĩ rằng họ không bị ung thư vú trong khi thực tế là họ bị.

Điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng mới ở vú, ngay cả khi đã chụp nhũ ảnh tầm soát gần đây cho kết quả bình thường. Có thể cần phải làm thêm các xét nghiệm như chụp nhũ ảnh chẩn đoán và/hoặc siêu âm vú để quan sát kỹ hơn vùng bất thường.

- Kết quả dương tính giả

Chụp nhũ ảnh dương tính giả là hình ảnh trông bất thường mặc dù không có ung thư vú. Chụp nhũ ảnh phát hiện bất thường thì thường đòi hỏi phải xét nghiệm thêm (chụp nhũ ảnh chẩn đoán, siêu âm và đôi khi là chụp MRI hoặc thậm chí là sinh thiết vú) để xem có phải là ung thư hay không.

Kết quả dương tính giả thường gặp hơn ở những phụ nữ trẻ, có mô vú đặc, đã từng sinh thiết vú, có người thân trong gia đình bị ung thư vú hoặc đang dùng estrogen.

- Chụp nhũ ảnh có thể không hữu ích cho tất cả phụ nữ

Giá trị của chụp nhũ ảnh tầm soát phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Phát hiện sớm ung thư vú có thể không giúp sống lâu hơn nếu bệnh nhân có bệnh lý nặng đi kèm như bệnh lý tim, thận, gan hoặc phổi. Hướng dẫn tầm soát ung thư vú của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng phụ nữ có các bệnh lý nặng đi kèm (bệnh đồng mắc) hoặc thời gian sống còn ngắn nên thảo luận với bác sĩ xem có nên tiếp tục chụp nhũ ảnh hay không.

Điều cần lưu ý là mặc dù chụp nhũ ảnh có thể phát hiện ra các khối u vú nhỏ khó có thể cảm nhận được bằng sờ nắn, nhưng việc điều trị khối u nhỏ không phải luôn luôn có thể chữa dứt vì có loại ung thư phát triển nhanh hoặc có thể đã di căn, ngay cả khi khối u ở vú vẫn còn nhỏ.

- Chẩn đoán quá mức và điều trị quá mức

Chụp nhũ ảnh tầm soát thường có thể phát hiện ung thư vú xâm lấn và ung thư ống tuyến vú tại chỗ (DCIS) cần được điều trị. Nhưng cũng có trường hợp một số loại ung thư xâm lấn và ung thư ống tuyến vú tại chỗ phát hiện trên chụp nhũ ảnh sẽ không bao giờ tiến triển hoặc lan rộng. Những loại ung thư này không đe dọa đến tính mạng và sẽ không bao giờ được phát hiện hoặc được điều trị nếu không chụp nhũ ảnh. Vấn đề là bác sĩ không thể phân biệt được những loại ung thư này với những loại ung thư sẽ tiến triển và lan rộng.

Chẩn đoán quá mức có thể dẫn đến điều trị quá mức (điều trị không thực sự cần thiết ), vì ung thư sẽ không bao giờ gây ra bất kỳ vấn đề nào. Bác sĩ không phải lúc nào cũng có thể biết loại ung thư nào có thể đe dọa hay không đe dọa tính mạng. Do đó bác sĩ khuyên nên điều trị tất cả các loại ung thư vú. Điều này khiến một số phụ nữ phải chịu tác dụng phụ của việc điều trị ung thư, mặc dù thực tế là không cần thiết.

Tuy nhiên, tỷ lệ chẩn đoán quá mức không cao, nhưng ước tính dao động từ 1% đến 10%.

- Phơi nhiễm tia xạ

Vì chụp nhũ ảnh là chụp bằng tia X (X- quang) nên vú có tiếp xúc với tia xạ. Lượng tia xạ từ mỗi lần chụp nhũ ảnh là thấp, nhưng vẫn có thể tăng lên theo thời gian.

 

BS. Trần Quốc Hùng

Ban Biên tập Y Khoa Online

--------------------------------------

Nguồn tham khảo:

https://www.cancer.org/cancer/types/breast-cancer.html. Truy cập ngày 30/10/2024