Tại sao có người không bị lây nhiễm nCoV dù tiếp xúc bệnh nhân?
Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, virus corona không tự lây truyền qua không khí mà được bao bọc bên trong môi trường là các dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện.
Những người có tiếp xúc gần, bao gồm đi, làm việc chung và tiếp xúc trong bán kính 2 m phải lập tức cách ly tạm thời, theo dõi thời gian ủ bệnh để hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, một số trường hợp tiếp xúc hoặc nghi ngờ tiếp xúc vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona (nCoV).
Con đường lây truyền của virus corona
Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, cho biết virus corona lây nhiễm từ người sang người theo hai con đường chính:
- Trực tiếp qua các giọt chất tiết cực nhỏ từ đường hô hấp của người bệnh. Mỗi lần người bệnh ho hay hắt hơi, hàng chục nghìn các giọt nhỏ li ti này sẽ bay lơ lửng trong môi trường xung quanh khiến người xung quanh hít phải trong phạm vi 1-2 m.
Ngoài ra, các giọt chất tiết này có thể bám vào quần áo, đồ vật xung quanh và trở thành con đường thứ hai. Do đó, nên phải ho, hắt hơi đúng cách (che bằng khuỷu tay hay khăn giấy và rửa tay
- Gián tiếp qua tiếp xúc với các chất tiết của người bệnh qua đồ vật, môi trường xung quanh. Ví dụ như người bệnh lấy tay che miệng khi ho hay hắt hơi, bàn tay đầy mầm bệnh đó cầm lấy tay nắm cửa và để lại một tay nắm cửa đầy virus trên đó.
Người kế tiếp cầm vào tay nắm cửa, đem virus để lên tay mình, sau đó cho vào miệng, chùi lên mắt, chăm sóc con cái, gieo rắc mầm bệnh cho mình và cả người xung quanh. Vì vậy, rửa tay bằng xà phòng là phương pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đơn giản mà hiệu quả.
Virus corona có thể lây truyền qua môi trường trung gian là các dịch tiết của người bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi... Ảnh: CNN. |
Trong các con đường lây nhiễm trên, cách thứ nhất ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, người bệnh vừa hắt hơi thì người ngồi kế bên sẽ dính nhiều dịch tiết hơn cả.
Con đường thứ hai sẽ bị tác động bởi môi trường rõ ràng hơn. Đó là vì mức độ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với đồ vật trong môi trường tuỳ thuộc việc con virus sống được bao lâu trong môi trường đó. Nó sống càng lâu, càng dai dẳng, khả năng lây nhiễm càng cao.
Điều kiện để lây nhiễm nCoV trong môi trường
Bác sĩ Hưng cho biết trong các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của virus gây bệnh SARS, người ta nhận thấy môi trường càng lạnh và càng khô (độ ẩm thấp) thì virus càng sống lâu.
Ở 4 độ C, virus sống hơn một tháng trong môi trường. Ở nhiệt độ phòng 22-25 độ C, độ ẩm 40-50%, virus sống khoẻ tới 5 ngày, sau đó giảm từ từ.
Ở nhiệt độ vừa phải 28-33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng tới virus đáng kể, nó cũng có thể sống trong môi trường tới 4-5 ngày. Chỉ khi nhiệt độ đạt tới 38 độ C và độ ẩm đạt tới 80-90%, virus sẽ giảm mạnh sau 24 giờ. Nhiệt độ đạt tới 56 độ C, virus bị tiêu diệt sau 15 phút.
Điều này giải thích những nơi không quá nóng và có độ ẩm thấp như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), dễ có dịch hơn các vùng nóng và ẩm như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh nhưng không tiếp xúc dịch tiết, khả năng nhiễm bệnh không cao. Ảnh: CNN. |
Nếu điều kiện nhiệt độ ở Hà Nội là 12 độ C, độ ẩm 76%, virus SARS sẽ sống tốt trong 4-5 ngày bên ngoài cơ thể. Ở TP.HCM là 24 độ C, độ ẩm 91%, SARS sẽ sống tốt khoảng một ngày. nCoV cũng là biến chủng của virus corona, do đó, khả năng sống sót sẽ không thua kém SARS.
Về vấn đề những người có tiếp xúc gần với người mang virus corona nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ Hưng cho rằng virus chỉ có thể lây truyền qua tiếp xúc dịch tiết và không thể lơ lửng trong không khí. Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh nhưng không tiếp xúc dịch tiết, khả năng nhiễm bệnh không cao.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết virus corona có kích thước nhỏ, không thể nào bay lơ lửng ra môi trường không khí. Loại virus này phải được bao bọc trong môi trường mà nó phát tán.
Môi trường này chính là những giọt dịch tiết từ cơ thể người phát ra ngoài khi nói chuyện, ho, hắt hơi… hoặc tiếp xúc các dịch tiết bám trên bề mặt, tay chân, quần áo… Người lành sẽ nhiễm bệnh tiếp xúc các dịch tiết phát ra từ người mắc bệnh.
Vì vậy, để phòng lây nhiễm bệnh, người dân nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp, tránh hít phải các giọt bắn có nCoV; thay khẩu trang thường xuyên, không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang. Duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và tránh mút tay, đưa tay lên miệng, mắt.
Nếu nghi ngờ tiếp xúc người nhiễm bệnh, cần tuân thủ việc khai báo y tế, tự cách ly 14 ngày để phát hiện dấu hiệu bất thường của cơ thể trong thời gian ủ bệnh.
--------------------------------------------------
Nguồn: Website Bộ Y tế Việt Nam
-
SARS-CoV-2
24/07/2021 18:49 GMT+7
-
Xà phòng diệt virus SARS-CoV-2 như thế nào?
24/07/2021 16:37 GMT+7
-
Tổ chức Y tế thế giới giải đáp thắc mắc về các loại xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2
09/05/2020 10:12 GMT+7
-
Cảnh giác với nhiễm COVID-19 không triệu chứng
25/04/2020 09:18 GMT+7
-
Nên sử dụng xét nghiệm nhanh dựa trên phát hiện kháng nguyên hay kháng thể COVID-19?
19/04/2020 15:59 GMT+7
-
Chuyên gia phân tích các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2
05/04/2020 21:31 GMT+7
-
COVID-19 và cúm - Giống và khác ?
30/03/2020 16:26 GMT+7
-
Giải đáp thắc mắc về phòng, chống dịch COVID-19
21/03/2020 10:42 GMT+7
-
Chuyên gia nói gì về trường hợp mắc COVID-19 sau 3 lần xét nghiệm âm tính?
18/03/2020 11:06 GMT+7
-
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới giải đáp các câu hỏi, thắc mắc về phòng chống dịch COVID-19
12/03/2020 00:00 GMT+7
-
Bộ Y tế và WHO tại Việt Nam phối hợp giải đáp thắc mắc về COVID-19
09/03/2020 00:00 GMT+7
-
Những triệu chứng và biến chứng mà vi rút Corona nCoV có thể gây ra?
06/03/2020 00:00 GMT+7
- Chuyên gia phân tích các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2
- Cảnh giác với nhiễm COVID-19 không triệu chứng
- Những triệu chứng và biến chứng mà vi rút Corona nCoV có thể gây ra?
- Bộ Y tế giải đáp thắc mắc về nCoV bằng hình ảnh
- Nên sử dụng xét nghiệm nhanh dựa trên phát hiện kháng nguyên hay kháng thể COVID-19?
- Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới giải đáp các câu hỏi, thắc mắc về phòng chống dịch COVID-19
- Giải đáp thắc mắc về phòng, chống dịch COVID-19
- COVID-19 và cúm - Giống và khác ?
- Tại sao có người không bị lây nhiễm nCoV dù tiếp xúc bệnh nhân?