HIV và nguy cơ lây nhiễm đối với phụ nữ
HIV là vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, khiến cho hệ thống miễn dịch bị tổn thương và cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong.
HIV lây truyền qua 3 con đường chính:
- Quan hệ tình dục: qua đường hậu môn, qua đường âm đạo, qua đường miệng.
- Đường máu: qua các dụng cụ đâm chích qua da; tiếp xúc trực tiếp với máu; truyền máu hay các sản phẩm của máu, ...
- Từ mẹ sang con: khi mang thai, khi sinh, khi cho con bú.
Nguy cơ lây nhiễm HIV đối với phụ nữ
Thực tế đã chứng minh trên thế giới, phụ nữ dễ bị lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hơn nam giới với các lý do sau:
- Lý do sinh học: Diện tích bề mặt niêm mạc âm đạo lớn hơn nhiều so với diện tích niêm mạc của cơ quan sinh dục nam, do vậy diện tiếp xúc với dịch sinh dục trong quan hệ tình dục là lớn hơn. Tinh dịch của nam chứa nhiều HIV hơn dịch âm đạo, làm cho phụ nữ có nguy cơ nhiễm cao hơn so với nam giới. Trong quan hệ tình dục, tinh dịch có thể đọng lại trong âm đạo lâu hơn so với dịch âm đạo trong cơ quan sinh dục nam, làm tăng thời gian tiếp xúc giữa bề mặt âm đạo với dịch sinh dục nam.
- Lý do dịch tễ học: Người phụ nữ có xu hướng lấy chồng lớn tuổi hơn, do vậy người chồng có thể đã có nhiều bạn tình trước đó và cũng có thể đã nhiễm HIV. Ngoài ra, người phụ nữ hay phải truyền máu do ốm đau, sinh đẻ do bị mất máu nhiều cũng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV.
- Lý do xã hội học: Cũng có nhiều yếu tố làm cho phụ nữ dễ tiếp cận các nguy cơ lây nhiễm HIV, như phụ nữ thường là người “bị động” trong quan hệ tình dục, là “khách hàng” bị ép dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm (trong các trường hợp này, nguy cơ nhiễm HIV rất cao vì bị xây xước cơ quan sinh dục).
Dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ
Dự phòng sớm để tránh lây nhiễm HIV cho phụ nữ là cách “dự phòng từ xa” để giúp tránh lây truyền HIV sang thai nhi và trẻ sơ sinh vì nếu phụ nữ không nhiễm HIV thì sẽ không có lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời giải pháp dự phòng sớm còn giúp đạt được mục tiêu phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng nói chung.
Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả thì phải tiến hành các hoạt động dự phòng sớm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trước hết hướng vào tất cả những phụ nữ có hành vi nguy cơ hay chồng/bạn tình của họ có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngoài ra, cũng cần dự phòng lây truyền HIV trong tương lai cho những phụ nữ đã được chẩn đoán tình trạng HIV âm tính tại các cơ sở chăm sóc trước sinh.
Về nguyên tắc dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ cũng giống như dự phòng lây nhiễm HIV chung cho các nhóm dân cư khác, cụ thể là tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người nhiễm HIV thông qua các hành vi an toàn như tình dục an toàn, không sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích, …
Lợi ích của việc phát hiện sớm và điều trị ARV cho phụ nữ nhiễm HIV - Giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; - Giảm nguy cơ tử vong; - Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục; - Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; - Giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình cũng như ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. |
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC)
-----------------------------------------
Nguồn:
https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/hivaids/hiv-va-nguy-co-lay-nhiem-doi-voi-phu-nu-e892445a5002204aeef912109df25568.html
-
Hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
01/07/2021 19:51 GMT+7
-
Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con
01/07/2021 19:50 GMT+7
-
Chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo
01/07/2021 19:35 GMT+7
-
Các giai đoạn lây truyền HIV từ mẹ sang con
01/07/2021 19:30 GMT+7
-
HIV/AIDS - Kiến thức căn bản
02/08/2019 08:58 GMT+7