Để người cao tuổi tập thể dục an toàn và hiệu quả
Để có được một cuộc sống vui, khỏe, sống có ích, người cao tuổi cần thường xuyên tập thể dục. Tuy nhiên, nếu tập không đúng cách thì có khi còn phản tác dụng. Vì thế trước khi tham gia tập thể dục, các cụ cần phải tự lượng sức mình để chọn lựa một môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình, điều quan trọng và cần thiết là các cụ tự xét xem mình có vấn đề gì về tim mạch không? Có hay bị đau ngực không? Có thường hay bị ngất xỉu hoặc xây xẩm mặt mày không?... Nếu có vấn đề sức khỏe thì các cụ nên đến khám và hỏi ý kiến bác sĩ để việc tập luyện được an toàn và hiệu quả.
Sau đây là một số nguyên tắc để giúp các cụ tập luyện thể dục được an toàn và có hiệu quả cao.
Đối với một số cụ chưa bao giờ tập thể dục thể thao thì nên bắt đầu tập nhẹ và tăng dần phù hợp với sức mình, sau khi khỏe hơn mới dần tăng thêm thời gian và nhịp độ luyện tập.
Nên lựa chọn hoạt động thể thao phù hợp mà mình ưa thích nhất. Nếu thích các hoạt động thể thao đồng đội, tập theo nhóm thì có thể gia nhập câu lạc bộ dưỡng sinh, đánh cầu lông, tennis... còn nếu cụ nào thích những hoạt động mang tính cá nhân, các cụ có thể đi bơi, đi bộ trong công viên mỗi buổi sáng. Các cụ cũng nên lựa chọn thời điểm thích hợp trong ngày mà mình sung sức nhất để tập luyện, ví dụ như có cụ có thói quen ngủ dậy sớm thì việc đi bộ hoặc chơi thể thao vào buổi sáng là thích hợp hơn cả, còn nếu cụ nào thấy về buổi chiều tối mình sung sức hơn cả thì việc tập luyện vào buổi chiều là thích hợp.
Các cụ cần tập luyện đều đặn, cần có quyết tâm tập đều mỗi ngày một chút chứ không phải tập theo cảm hứng thích thì tập không thích thì nghỉ. Để bảo đảm cho điều này, tốt nhất các cụ nên lựa chọn những hoạt động ăn khớp với thời gian biểu của mình.
Các cụ không nên quá căng thẳng trong việc tập luyện, mà nên tập luyện theo cách mà mình cảm thấy thoải mái nhất, chẳng hạn như có cụ vừa đi bộ trong công viên vừa vui vẻ trò chuyện với các bạn đồng hành, làm như vậy sẽ cảm thấy cuộc tập luyện thật nhẹ nhàng thoải mái, khi nào thấy thấm mệt thì ngồi nghỉ, không nên cố. Khi ngồi nghỉ sau buổi tập mà 10 phút rồi vẫn thấy mệt hay thở dốc đó là biểu hiện tập quá sức, cần điều chỉnh lại cường độ tập luyện, tương tự khi đang tập hoặc sau buổi tập nếu thấy khó thở hoặc muốn xỉu, bủn rủn chân tay thì đó cũng là dấu hiệu tập quá sức.
Cần tạo điều kiện an toàn và thoải mái tối đa, cần lựa chọn giày, tất thật vừa vặn với chân mình không rộng quá không chật quá, xỏ vào chân không đau không vướng, đôi chân cảm thấy dễ chịu. Các cụ chọn quần áo tập cũng vừa vặn không gò bó, cử động chân tay dễ dàng, chất liệu bằng cotton dễ thấm mồi hôi. Luôn lựa chọn chỗ luyện tập an toàn, không luyện tập trong điều kiện thời tiết xấu, khi trời mưa gió.
Nên có các hoạt động đa dạng để tránh nhàm chán, bài tập cần có các động tác khác nhau thay đổi cho đỡ buồn tẻ đơn điệu như xen kẽ giữa bài đi bộ các cụ có thể hít thở, vươn vai hoặc vung tay chân một cách thoải mái tùy thích.
Các cụ cần khuyến khích động viên gia đình và bạn bè hỗ trợ và nếu được thì cùng tham gia tập luyện với mình. Trong trường hợp các cụ có con cháu thì chính quyết tâm luyện tập của các cụ sẽ là tấm gương tốt động viên mọi người trong gia đình tập luyện thể thao giữ gìn sức khỏe, phòng chống các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường... vừa gắn kết mọi người trong gia đình lại đoàn kết thương yêu nhau, tạo một bầu không khí vui vẻ đầm ấm rất có lợi cho sức khỏe.
Khi bắt đầu tập luyện các cụ cần đề ra cho chính mình mục tiêu từ ngắn hạn đến dài hạn để theo đó mà thực thi, ví dụ như các cụ muốn giảm 5kg là mục tiêu dài hạn thì đặt mục tiêu ngắn hạn là trong một tháng giảm được từ 0,5-1kg và cứ thế thi hành. Có như vậy các cụ mới có được niềm tin để nâng cao sức khỏe của chính bản thân mình và cần coi việc tập luyện thể thao như điều không thể thiếu trong nếp sống của mình, để mỗi ngày của tuổi già là những ngày vui, khỏe.
-
Sử dụng thuốc ở người cao tuổi
24/05/2020 11:05 GMT+7
-
Cách phòng ngừa nCoV “tấn công” người già
23/03/2020 10:45 GMT+7
-
Những việc người cao tuổi cần làm để không bị COVID-19 tấn công
21/03/2020 09:38 GMT+7
-
Một số bệnh về mắt ở người cao tuổi
02/08/2019 00:00 GMT+7
-
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
09/11/2012 19:01 GMT+7
-
Những chú ý khi dùng thuốc ở người cao tuổi
20/10/2012 20:04 GMT+7