Chăm sóc răng cho trẻ đúng cách
Cái răng, cái tóc là gốc con người. Thật vậy, hàm răng khỏe đẹp không chỉ tạo sự thoải mái khi ăn uống mà còn mang lại nụ cười khả ái đầy tự tin. Ai cũng mong muốn đứa con thân yêu của mình sở hữu một nụ cười thiên thần nhưng không phải ai cũng có thể đạt được điều đó bởi lẽ để có nụ cười xinh, bé yêu cần được cha mẹ chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ khi còn rất nhỏ.
Trẻ mọc răng khi nào?
Thời điểm mọc răng của trẻ không giống nhau. Đa số các bé bắt đầu mọc răng từ tháng thứ sáu trở đi. Khởi đầu với răng cửa hàm dưới, quá trình mọc răng diễn ra từ từ cho đến khi được hai tuổi bé đã có hai mươi chiếc răng sữa. Những răng sữa này sẽ được dần thay thế thành răng vĩnh viễn khi trẻ được sáu đến mười hai tuổi.
Trong mỗi đợt mọc răng bé thường hay quấy khóc, sốt nhẹ, nhễu nhiều nước bọt, cho tay vào miệng hoặc cắn những vật được tìm thấy xung quanh, bỏ ăn và đi tước. Trong những tình huống như vậy bạn nên cho bé ăn uống lõng, nguội. Sữa và thức ăn đã được làm mát sẽ giúp bé giảm đau và dễ nuốt hơn. Nếu bé quấy và sốt có thể dùng Paracetamol để hạ sốt và giảm đau cho trẻ. Cần lưu ý không sử dụng Aspirin vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu chẳng may bé sốt không phải do mọc răng mà do nhiễm siêu vi.
Đánh răng đúng thời điểm
Để làm sạch nướu răng và giúp trẻ quen dần với việc được vệ sinh răng miệng, mỗi ngày nên dùng một miếng gạc mềm thấm nước ấm lau nhẹ lên vùng nướu khi trẻ thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Việc này vẫn được duy trì tiếp tục khi nướu nhú lên những mầm răng trắng nhỏ.
Mặc dù răng sữa sẽ thay thế dần bằng răng vĩnh viễn nhưng việc chăm sóc răng sữa rất quan trọng bởi lẽ bên cạnh việc giúp trẻ nói và nhai hiệu quả, răng sữa còn quyết định vị trí mọc của răng vĩnh viễn.
Khi răng sữa đã mọc, có thể dùng bàn chải nhỏ với hai hoặc ba hàng lông thật mềm mại để làm sạch răng cho bé ngày hai lần.
Ngoài hai tuổi, trẻ đã có khả năng nhận thức khá tốt và rất thích bắt chước người lớn. Do vậy lúc này có thể hướng dẫn trẻ cách đánh răng. Nên để trẻ tự mình đánh răng dưới sự giám sát và động viên của người lớn dù trẻ sẽ gặp đôi chút khó khăn trong thời gian đầu. Để khuyến khích trẻ đánh răng nên cho trẻ tự chọn loại bàn chải mà chúng thích.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều bàn chải có màu sắc hay họa tiết hoạt hình rất bắt mắt trẻ con vì vậy hoàn toàn có thể tìm thấy cho trẻ một chiếc bàn chải phù hợp.Có thể cho trẻ sử dụng kem đánh răng và để việc làm sạch răng được hiệu quả cần hướng dẫn bé chải cả mặt ngoài và mặt trong của răng và lưỡi để loại bỏ thức ăn thừa, vi khuẩn và mảng bám đóng trên răng và lưỡi. Sau sáu tuổi trẻ hoàn toàn có thể tự chải răng mà không cần có sự trợ giúp của người lớn một khi đã được hướng dẫn cặn kẽ.
Bổ sung Fluoride khi nào?
Flouride có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế sâu răng và giúp răng luôn chắc khỏe. Trong nước máy chúng ta dùng hàng ngày đã có bổ sung thêm Fluoride. Bên cạnh đó còn có thể tìm thấy Fluoride trong kem đánh răng, nước súc miệng. Do vậy không cần thiết phải cho bé dùng thêm Fluoride dạng viên bổ sung trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi vì nếu trẻ dùng Fluoride với một lượng quá nhiều vượt xa nhu cầu cơ thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Dùng kem đánh răng thích hợp
Không cần thiết phải dùng kem đánh răng trước khi trẻ hai tuổi. Trong giai đoạn này trẻ chưa biết khạc nhổ nên có khả năng nuốt kem đánh răng vào bụng khiến lượng Fluoride trở nên dư thừa dẫn đến tình trạng răng bị ngả màu do bị nhiễm Fluoride và tăng nguy cơ loãng xương.
Kem đánh răng dùng cho trẻ nhỏ có hàm lượng Fluoride thấp hơn so với kem đánh răng dành cho người lớn. Do vậy nên hỏi ý kiến của nha sĩ hoặc đọc kỹ nhãn mác để chọn cho bé một sản phẩm phù hợp.
Từ hai tuổi trở đi, mỗi lần trẻ đánh răng chỉ cần lát một lớp kem mỏng lên bàn chải và lượng kem cần dùng sẽ khoảng một hột đậu nhỏ với trẻ dưới sáu tuổi. Trẻ lớn hơn có thể dùng kem giống như người lớn.
Để răng trẻ khỏe đẹp
Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng đều đặn ngày hai lần, để trẻ có hàm răng đẹp và chắc khỏe nên dùng muỗng để đút sữa thay vì cho trẻ bú bình. Việc này sẽ giúp hàm răng của trẻ phát triển đúng vị trí. Không nên cho trẻ ngậm bình sữa khi ngủ bởi lẽ chất ngọt có trong sữa sẽ bám lại trên răng quá lâu làm tăng nguy cơ sâu răng. Nếu bé đã có thói quen ngậm bình khi đi ngủ hãy cho một ít nước lọc vào bình thay vì cho sữa vào như trước.
Cho trẻ uống một ít nước để tráng miệng sau mỗi bữa ăn là một biện pháp đơn giản giúp loại bỏ thức ăn thừa bám ở trên răng.
Không nên cho trẻ ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh hay vì sẽ ảnh hưởng đến men răng.
Không cần thiết phải đưa trẻ nhỏ đến nha sĩ nếu như bé không có vấn đề gì về răng miệng. Tuy nhiên từ ba tuổi trở đi, hãy đưa trẻ đến nha sĩ kiểm tra răng định kỳ mỗi sáu tháng một lần để được phát hiện và điều chỉnh sớm những bất thường về răng miệng như sâu răng, răng mọc lệch, răng ngầm…
TS.BS. Phạm Đình Nguyên, BV. Nhi Đồng 1, TP. HCM
---------------------------------------
Nguồn: http://nhidong.org.vn/chuyen-muc/nu-cuoi-xinh-c57-957.aspx
-
Hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ tai cho trẻ
29/01/2023 13:34 GMT+7
-
Dinh dưỡng điều trị chậm tăng trưởng ở trẻ em
29/01/2023 10:07 GMT+7
-
5 điều COVID-19 tác động đến sức khỏe tinh thần của trẻ
08/09/2021 14:37 GMT+7
-
Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
11/06/2020 10:07 GMT+7
-
Trẻ ăn dặm & những điều cần lưu ý
06/06/2020 22:51 GMT+7
-
Chăm sóc ăn uống khi trẻ ốm
04/05/2020 13:56 GMT+7
-
Sử dụng thuốc ở trẻ em
29/04/2020 13:14 GMT+7
-
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nặng ở trẻ bệnh sốt xuất huyết cần nhập viện ngay
19/03/2020 10:47 GMT+7
-
Giúp trẻ bảo vệ và tăng cường miễn dịch trong “cuộc chiến Covid -19”
29/02/2020 00:00 GMT+7
-
Chăm sóc trẻ bệnh tim bẩm sinh
20/08/2019 09:23 GMT+7
-
Sai lầm cần tránh khi chăm trẻ sốt xuất huyết
19/08/2019 11:38 GMT+7
-
Phòng ngừa các bệnh do nắng nóng ở trẻ em
12/08/2019 15:58 GMT+7
- Dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
- Giúp trẻ bảo vệ và tăng cường miễn dịch trong “cuộc chiến Covid -19”
- Dùng thuốc sốt cho con thế nào cho đúng?
- Sai lầm cần tránh khi chăm trẻ sốt xuất huyết
- Chăm sóc trẻ bệnh tim bẩm sinh
- Chăm sóc răng cho trẻ đúng cách
- Trẻ ăn dặm & những điều cần lưu ý
- Cách chăm bé sơ sinh mùa đông
- Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nặng ở trẻ bệnh sốt xuất huyết cần nhập viện ngay