Nhà sản xuất

Bayer Pharma AG

Nhà tiếp thị

Bayer (South East Asia)

Thành phần

Mỗi hệ phóng thích thuốc qua dụng cụ đặt tử cung: Levonorgestrel 52mg (tốc độ giải phóng ban đầu là 20microgam/24 giờ).

Dược lực học

Tác dụng chủ yếu của Mirena là tác dụng của progestogen tại chỗ trong buồng tử cung. Nồng độ levonorgestrel cao trong nội mạc tử cung làm giảm sự đáp ứng của các thụ thể estrogen và progesteron làm cho nội mạc tử cung không còn nhạy cảm với estradiol tuần hoàn và ngăn cản mạnh sự tăng sinh niêm mạc tử cung. Trong thời gian đặt Mirena người ta thấy có những thay đổi về hình thái của nội mạc tử cung và phản ứng yếu ớt đối với các yếu tố ngoại lai tại chỗ. Chất nhầy của cổ tử cung dầy lên đã ngăn cản sự xâm nhập của tinh trùng qua cổ tử cung. Môi trường tại chỗ của tử cung và của vòi trứng ức chế sự di chuyển và chức năng của tinh trùng do đó ngăn cản sự thụ tinh. Ở một vài phụ nữ, sự rụng trứng cũng bị ức chế.

Dược động học

Hoạt chất của Mirena là levonorgestrel. Levonorgestrel được giải phóng trực tiếp vào tử cung. Lượng levonorgestrel được giải phóng lúc đầu vào buồng tử cung là 20 µg/24 giờ và giảm dần là 10 µg/24 giờ sau 5 năm.
Hấp thu: Levonorgestrel được giải phóng trực tiếp vào tử cung ngay sau khi đặt Mirena được xác định dựa trên định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh. Nồng độ cao của levonorgestrel trong buồng tử cung tạo ra chênh lệch nồng độ lớn đưa thuốc từ nội mạc tử cung vào cơ trơn tử cung (nồng độ trong nội mạc tử cung cao gấp >100 lần trong cơ trơn tử cung) và nồng độ levonorgestrel trong huyết thanh thấp (nồng độ ở nội mạc tử cung cao gấp >1000 lần trong huyết thanh).
Phân bố
Levonorgestrel gắn kết không đặc hiệu với albumin huyết tương và gắn kết đặc hiệu với globulin gắn kết hormon sinh dục (SHBG). Khoảng 1-2% levonorgestrel ở dạng tự do trong tuần hoàn và 42-62% là dạng kết hợp đặc hiệu với SHBG. Trong khi sử dụng Mirena nồng độ của SHBG giảm đi. Do đó phần gắn kết với SHBG sẽ giảm và phần levonorgestrel tự do sẽ tăng lên. Thể tích phân bố trung bình của levonorgestrel khoảng 106 L.
Sau khi đặt Mirena, có thể phát hiện thấy levonorgestrel trong huyết tương. Phù hợp với tỷ lệ phóng thích giảm dần, nồng độ trung bình của levonorgestrel trong huyết tương giảm dần từ 206 pg/mL (từ điểm tứ phân vị dưới đến điểm tứ phân vị trên: 151 pg/mL đến 264 pg/mL) tại tháng thứ 6 đến 194 pg/mL (từ 146 pg/mL đến 266 pg/mL) tại tháng thứ 12 và 131 pg/mL (113 pg/mL đến 161 pg/mL) tại tháng thứ 60 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có cân nặng trên 55kg.
Trọng lượng cơ thể và nồng độ SHBG trong huyết tương có ảnh hưởng tới nồng độ của levonorgestrel trong cơ thể ví dụ trọng lượng cơ thể thấp và/hoặc mức SHBG cao làm tăng nồng độ levonorgestrel. Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trọng lượng cơ thể thấp (37-55kg) có nồng độ trung bình của levonorgestrel trong huyết tương cao hơn khoảng 1,5 lần.
Ở những phụ nữ sau mãn kinh sử dụng Mirena cùng với điều trị các estrogen không phải đường uống có nồng độ levonorgestrel trung bình trong huyết tương giảm dần từ 257 pg/mL (từ điểm tứ phân vị dưới đến điểm tứ phân vị trên: 186 pg/mL đến 326 pg/mL) tại tháng thứ 12 đến 149 pg/mL (122 pg/mL đến 180 pg/mL) tại tháng thứ 60. Khi sử dụng Mirena cùng với điều trị estrogen đường uống sẽ làm cho nồng độ levonorgestrel trong huyết tương tăng lên tại tháng thứ 12 khoảng 478 pg/mL (từ điểm tứ phân vị dưới đến điểm tứ phân vị trên: 341 pg/mL tới 655 pg/mL) do sự cảm ứng của estrogen sử dụng đường uống với SHBG.
Chuyển hóa
Levonorgestrel được chuyển hóa một cách nhanh chóng. Sản phẩm chuyển hóa chính trong huyết tương là 3α, 5β-tetrahydrolevonorgestrel liên hợp và không liên hợp.
Căn cứ trên các nghiên cứu trên in vitro và trên in vivo thì men chuyển hóa chính levonorgestrel là CYP3A4, các men CYP2E1, CYP2C19 và CYP2C9 cũng tham gia chuyển hóa nhưng với mức độ nhỏ.
Thải trừ: Độ thanh thải toàn phần của levonorgestrel trong huyết tương xấp xỉ 1,0 mL/phút/kg. Chỉ có dạng vết levonorgestrel được bài tiết dưới dạng không đổi. Các chất chuyển hóa được bài tiết cả qua phân và qua nước tiểu với tỷ lệ như nhau. Thời gian bán hủy của các chất chuyển hóa khoảng 1 ngày.
Tính chất tuyến tính/không tuyến tính: Dược động học của levonorgestrel phụ thuộc vào nồng độ của SHBG và bản thân globulin này chịu sự tác động của các estrogen và androgen. Trong suốt thời gian sử dụng Mirena, nồng độ SHBG giảm trung bình khoảng 30%, dẫn đến nồng độ của levonorgestrel trong huyết thanh giảm, cho thấy dược động học của levonorgestrel không có tính chất tuyến tính theo thời gian. Do Mirena chủ yếu tác dụng tại chỗ nên điều này không ảnh hưởng lên tác dụng của Mirena.

An toàn tiền lâm sàng

Nghiên cứu cho thấy Mirena không gây ra nguy cơ đặc biệt nào trên người dựa trên các nghiên cứu về an toàn dược lý, độc tính sinh ra, nguy cơ nhiễm độc gen và ung thư của levonorgestrel. Nghiên cứu trên thỏ không quan sát thấy độc tính bào thai. Đánh giá độ an toàn của thành phần chất dẻo trong nguồn giải phóng hormon, về thành phần polyethylen cũng như sự kết hợp của chất dẻo với levonorgestrel đồng thời về nguy cơ nhiễm độc gen trên hệ nghiên cứu in vivo và in vitro chuẩn kèm theo nghiên cứu về tính tương kị đã cho thấy không có hiện tượng tương kị giữa các chất liệu nêu trên.

Chỉ định/Công dụng

Tránh thai.
Chứng cường kinh (sự chảy máu quá mức trong thời gian của một kỳ hành kinh, hoặc là trong nhiều ngày hoặc nhiều máu, hoặc cả hai) nguyên phát.
Bảo vệ đối với sự tăng sinh của lớp nội mạc tử cung trong thời gian điều trị thay thế estrogen.

Liều lượng & Cách dùng

Mirena được đặt trong buồng tử cung và có tác dụng trong 5 năm.
Tỷ lệ giải phóng thuốc trên in vivo ban đầu đạt khoảng 20 µg/24 giờ sau đó giảm xuống mức 10 µg/24 giờ sau 5 năm. Trong suốt thời gian 5 năm sử dụng tỷ lệ giải phóng levonorgestrel trung bình là khoảng 14 µg/24 giờ.
Ở phụ nữ có sử dụng liệu pháp thay thế hormon, có thể dùng kết hợp Mirena với chế phẩm cung cấp estrogen không chứa progestogen ở dạng viên uống hoặc miếng dán dưới da.
Khi đặt Mirena theo hướng dẫn, tỷ lệ thất bại chỉ khoảng 0,2%/năm và tỷ lệ thất bại cộng dồn xấp xỉ 0,7% trong 5 năm.
Đặt, tháo hoặc thay thế Mirena
Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặt Mirena vào tử cung trong vòng 7 ngày kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Có thể thay thế dụng cụ đang đặt bằng một dụng cụ mới vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ. Trong trường hợp bị sẩy thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì có thể đặt Mirena ngay.
Trường hợp đặt Mirena sau khi sinh, nên đợi cho đến khi kích thước tử cung hoàn toàn trở về bình thường nhưng không nên sớm hơn 6 tuần sau khi sinh. Nếu như tử cung co chậm thì nên cân nhắc đợi tới tuần thứ 12. Nếu khó đặt dụng cụ và/hoặc thấy đau hoặc chảy máu bất thường trong hay sau khi đặt dụng cụ thì ngay lập tức nên thăm khám thực thể và tiến hành siêu âm để loại trừ nguy cơ thủng tử cung.
Trong chỉ định bảo vệ đối với sự tăng sinh của lớp nội mạc tử cung trong thời gian điều trị thay thế estrogen, có thể đặt Mirena trong những ngày cuối của chu kỳ kinh hoặc khi đã hết kinh.
Việc đặt Mirena phải do những nhân viên y tế có kinh nghiệm hoặc đã được đào tạo đầy đủ.
Mirena được tháo bỏ bằng cách dùng forcep kéo nhẹ đầu dây và đưa Mirena ra ngoài. Nếu không nhìn thấy sợi dây và dụng cụ đã hoàn toàn ở sâu trong buồng tử cung thì có thể dùng móc để lấy dụng cụ. Trường hợp này đòi hỏi phải nong cổ tử cung hoặc can thiệp y khoa.
Nên tháo dụng cụ sau khi đặt 5 năm. Nếu người phụ nữ muốn tiếp tục sử dụng dụng cụ này thì có thể đặt ngay dụng cụ mới sau khi tháo dụng cụ cũ ra.
Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà muốn tránh thai, có thể tháo dụng cụ trong thời gian kinh nguyệt. Nếu tháo dụng cụ vào giữa chu kỳ và người phụ nữ có giao hợp trong vòng 1 tuần sau khi tháo thì nguy cơ mang thai sẽ tăng lên trừ phi thay thế ngay một dụng cụ đặt tử cung mới.
Sau khi tháo dụng cụ Mirena, cần kiểm tra tình trạng nguyên vẹn của dụng cụ. Trong những trường hợp khó tháo dụng cụ đã có những thông báo về tình trạng ống đựng hormon trượt vào các phần nằm ngang và bị che khuất đi. Trong tình huống như vậy không cần phải can thiệp một khi biết chắc chắn toàn bộ dụng cụ đã được lấy ra. Các mấu ở các phần ngang có tác dụng ngăn chặn hoàn toàn sự tuột của ống đựng hormon ra khỏi thân chữ T của dụng cụ.
Hướng dẫn sử dụng: Mirena được đóng gói trong bao bì vô trùng và chỉ nên mở bao bì khi tiến hành đặt Mirena. Nên chú ý đến vấn đề vô khuẩn khi đặt. Nếu bao bì dụng cụ bị rách thì nên bỏ dụng cụ đó đi.

Cảnh báo

Nên tư vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Nên cân nhắc đến việc tháo bỏ Mirena nếu các triệu chứng dưới đây xuất hiện hoặc tăng lên:
· Đau nửa đầu, đau nửa đầu trung tâm kèm theo mất cân bằng thị lực hoặc các triệu chứng khác gợi ý đến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.    
· Đau đầu trầm trọng bất thường
· Vàng da
· Tăng huyết áp rõ rệt
· Mắc các bệnh về mạch máu nghiêm trọng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Có thể dùng Mirena cho những phụ nữ bị mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh van tim mà có nguy cơ nhiễm trùng nội tâm mạc nhưng cần thận trọng. Nên dùng thêm kháng sinh dự phòng cho những bệnh nhân này khi đặt hoặc tháo dụng cụ đặt tử cung.
Liều thấp levonorgestrel có thể ảnh hưởng tới sự dung nạp glucose, nên theo dõi nồng độ glucose máu cho những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường có đặt dụng cụ Mirena.
Chảy máu không đều có thể làm lu mờ một vài dấu hiệu và triệu chứng của polyp hoặc ung thư nội mạc tử cung, do đó đối với những trường hợp này cần phải sử dụng nhiều biện pháp thăm khám để giúp cho việc chẩn đoán xác định.
Mirena không phải là phương pháp lựa chọn hàng đầu cho những phụ nữ không bao giờ muốn có con và cũng như cho những phụ nữ mãn kinh có teo đét tử cung.
Do sự hạn chế về thời gian đặt Mirena trong các thử nghiệm với chỉ định dự phòng tăng sinh nội mạc tử cung khi sử dụng liệu pháp thay thế estrogen, các dữ liệu hiện có chưa đủ để xác nhận hoặc loại bỏ nguy cơ gây ung thư vú khi sử dụng Mirena với chỉ định này.
Thăm khám và tư vấn y tế
Trước khi đặt Mirena, cần thông báo cho người sử dụng những thông tin về hiệu quả, nguy cơ cũng như tác dụng ngoại ý của Mirena. Các thăm khám trước khi đặt bao gồm khám tiểu khung, khám vú, làm xét nghiệm phết tế bào âm đạo. Cần loại trừ khả năng có thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu mắc bệnh nhiễm trùng đường sinh dục thì nên điều trị dứt điểm trước khi đặt Mirena. Nên xác định rõ vị trí của tử cung, kích thước buồng tử cung. Vị trí đặt Mirena là rất quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định của nội mạc tử cung trong việc tiếp xúc với levonorgestrel được giải phóng, để tránh rơi dụng cụ và để đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất. Do vậy khi đặt Mirena cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn. Việc đặt hoặc tháo dụng cụ có thể kèm theo đau hoặc chảy máu, gây ngất do phản xạ phế vị quản, hoặc xuất hiện cơn động kinh ở những bệnh nhân mắc chứng động kinh.
Nên tái khám sau khi đặt dụng cụ 4-12 tuần và sau đó 1 năm 1 lần hoặc nhiều hơn khi có chỉ định của lâm sàng.
Mirena không thích hợp để tránh thai sau khi giao hợp.
Do trong những tháng đầu sau khi đặt thường hay xuất hiện chảy máu vì vậy nên loại trừ các bệnh của tử cung trước khi đặt Mirena. Trong thời gian đặt Mirena, nếu khi bắt đầu liệu pháp thay thế estrogen mà bị chảy máu thì cần thăm khám và loại trừ các bệnh lý của nội mạc tử cung. Nếu chảy máu bất thường tăng lên trong thời gian điều trị kéo dài thì nên tiến hành các biện pháp chẩn đoán thích hợp.
Kinh ít hoặc vô kinh
Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ xuất hiện kinh ít hoặc vô kinh tương ứng là khoảng 57% và 16%. Tại thời điểm bắt đầu đặt dụng cụ nếu trong vòng 6 tuần sau ngày kinh trước mà không có kinh thì nên cân nhắc tới khả năng có thai.
Khi sử dụng đồng thời Mirena với liệu pháp thay thế estrogen liên tục, hiện tượng mất kinh xảy ra đối với hầu hết phụ nữ trong năm đầu tiên.
Nhiễm trùng vùng tiểu khung
Nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên nếu người đặt dụng cụ đặt tử cung có quan hệ tình dục với nhiều người. Nhiễm trùng vùng tiểu khung có thể làm giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ gây có thai ngoài tử cung. Cũng như các thủ thuật phụ khoa hoặc phẫu thuật khác, nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng huyết (bao gồm nhiễm trùng huyết do Streptococcus nhóm A) có thể xảy ra sau đặt dụng cụ tử cung, mặc dù cực kỳ hiếm.
Cần tháo bỏ Mirena ra nếu có các nhiễm trùng vùng tiểu khung hoặc viêm nội mạc tử cung tái diễn, hoặc nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị trong một vài ngày.
Rơi dụng cụ đặt tử cung
Hiện tượng co bóp của tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt đôi khi gây xê dịch vị trí hoặc đẩy rơi dụng cụ đặt trong tử cung. Triệu chứng có thể gặp là đau bụng và chảy máu bất thường. Tuy nhiên đôi khi dụng cụ đặt tử cung bị tuột một phần khỏi tử cung mà không có dấu hiệu gì. Trong thời gian sử dụng, lượng máu kinh nguyệt giảm xuống do vậy nếu lượng máu kinh nguyệt tăng lên, có thể là dấu hiệu tuột hoặc rơi dụng cụ đặt tử cung.
Nếu dụng cụ đặt tử cung không ở đúng vị trí thì nên tháo bỏ dụng cụ đó đi và thay thế ngay bằng dụng cụ mới.
Nên hướng dẫn cho người sử dụng cách kiểm tra các đầu dây của dụng cụ.
Thủng tử cung
Chủ yếu trong lúc đặt, Mirena có thể thâm nhập vào thành tử cung hoặc làm thủng thành tử cung. Khi đó cần phải tháo bỏ dụng cụ. Nguy cơ thủng tử cung tăng lên ở những phụ nữ đang cho con bú, và có thể tăng khi đặt vòng sau khi sinh (xem mục Liều lượng và Cách dùng” và ở những phụ nữ  có tử cung ngả sau cố định.
Trong một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu, so sánh không can thiệp lớn trên đối tượng sử dụng dụng cụ tử cung (N=61.448 phụ nữ), tỉ lệ thủng tử cung là 1,3 (95% CI: 1,1-1,6) mỗi 1000 lần đặt các loại dụng cụ tử cung nói chung; 1,4 (95% CI: 1,1-1,8) mỗi 1000 lần đặt Mirena và 1,1 (95% CI: 0,7-1,6) mỗi 1000 lần đặt vòng đồng.
Nghiên cứu cho thấy rằng cả phụ nữ cho con bú tại thời điểm đặt và đặt đến 36 tuần sau khi sinh đều liên quan đến việc tăng nguy cơ thủng tử cung (xem bảng 1). Những yếu tố nguy cơ này không liên quan đến loại dụng cụ tử cung được sử dụng.
- xem Bảng 1.

Nguy cơ thủng tử cung có thể tăng lên ở phụ nữ có tử cung ngã sau cố định.
Thai ngoài tử cung
Những phụ nữ có tiền sử mang thai ngoài tử cung, phẫu thuật vòi trứng hay viêm nhiễm vùng tiểu khung sẽ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn những phụ nữ khác. Nên nghĩ tới nguy cơ có thai ngoài tử cung nếu thấy đau bụng dưới, đặc biệt khi thấy chậm kinh hoặc những phụ nữ không có kinh tự nhiên bị chảy máu. Trong nghiên cứu lâm sàng tỷ lệ có thai ngoài tử cung khi đặt Mirena mỗi năm là 0,1%. Trong nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu so sánh không can thiệp lớn quan sát trong 1 năm, tỉ lệ thai ngoài tử cung ở phụ nữ đặt Mirena là 0,02%. Do vậy nguy cơ có thai ngoài tử cung khi dùng Mirena là ở mức thấp.
Tuy nhiên nếu có thai khi đang dùng Mirena thì nguy cơ tương đối có thai ngoài tử cung sẽ tăng lên.
Mất sợi dây của dụng cụ: Nếu như không nhìn thấy sợi dây ở cổ tử cung trong những lần thăm khám tiếp theo, phải loại trừ có thai. Sợi dây có thể đã bị tụt vào trong tử cung hoặc sâu trong cổ tử cung và sẽ xuất hiện lại trong chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Nếu như đã loại trừ có thai thì có thể dùng dụng cụ thích hợp để nhẹ nhàng tìm sợi dây và đặt lại đúng vị trí. Trong trường hợp không tìm thấy sợi dây thì có khả năng dụng cụ đã ra khỏi cơ thể hoặc tử cung bị thủng. Để xác định vị trí của chính xác của dụng cụ, có thể dùng chẩn đoán hình ảnh, nếu không có sẵn máy siêu âm hoặc siêu âm không thành công thì có thể dùng X-quang để tìm ra vị trí của dụng cụ.
U nang buồng trứng
Tác dụng tránh thai của Mirena chủ yếu là tác dụng tại chỗ. Chu kỳ rụng trứng và hiện tượng thoái hoá nang noãn vẫn xảy ra bình thường đối với những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đôi khi sự thoái hoá nang noãn bị chậm lại và nang noãn vẫn tiếp tục phát triển. Tỷ lệ mắc tác dụng phụ u nang buồng trứng được báo cáo là khoảng 7% số phụ nữ sử dụng Mirena. Phần lớn trong số đó thường không có triệu chứng, tuy nhiên một số trường hợp có thể có các triệu chứng như đau vùng tiểu khung hoặc đau trong khi giao hợp.
Thông thường u nang buồng trứng này sẽ tự biến mất trong thời gian từ 2 đến 3 tháng. Nếu không thì nên tiếp tục theo dõi qua siêu âm và các phương pháp chẩn đoán thích hợp khác. Rất hiếm khi phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Tác động lên khả năng lái xe và vận hành máy móc: Chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc được thực hiện. Chưa quan sát được ảnh hưởng nào lên khả năng lái xe và vận hành máy móc trong quá trình sử dụng thuốc.

Quá Liều

Không có.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào;
Khi đang mang thai hoặc nghi có thai;
Đang có hoặc tái diễn viêm vùng tiểu khung;
Nhiễm trùng đường sinh dục dưới;
Viêm nội mạc tử cung sau khi sinh;
Nhiễm trùng do nạo phá thai trong vòng 3 tháng gần đây;
Viêm cổ tử cung;
Loạn sản cổ tử cung;
U ác tính tại tử cung hoặc cổ tử cung;
Các khối u phụ thuộc progestogen;
Xuất huyết tử cung không rõ nguyên nhân;
Bất thường tử cung do bẩm sinh hoặc mắc phải kể cả u xơ tử cung làm biến dạng tử cung;
Cơ địa dễ bị nhiễm trùng;
Đang mắc bệnh gan cấp tính hoặc có khối u gan.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có thai
Không sử dụng Mirena cho phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai. Nếu có thai trong thời gian sử dụng Mirena thì nên tháo bỏ dụng cụ ra do bất kỳ dụng cụ tránh thai nào trong tử cung đều làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc đẻ non. Tuy nhiên việc tháo bỏ dụng cụ hoặc thăm dò tử cung có thể làm sẩy thai. Trong trường hợp người phụ nữ vẫn muốn giữ thai mà dụng cụ đặt tử cung không tháo được, thì nên thông báo cho họ biết về hậu quả của việc sinh non đối với đứa trẻ. Khi đó bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ. Nên loại trừ có thai ngoài tử cung. Người mang dụng cụ nên được hướng dẫn thông báo tất cả các triệu chứng có liên quan đến những biến chứng của có thai như đau cứng bụng kèm theo sốt.
Do dụng cụ được đặt trong tử cung và hormon được tiết ra tại chỗ cho nên không thể loại trừ được nguy cơ quái thai.
Phụ nữ cho con bú: Khoảng 0,1% levonorgestrel được tiết qua sữa mẹ. Tuy nhiên, điều đó dường như không có khả năng có nguy cơ cho trẻ sơ sinh với liều được phóng thích từ dụng cụ Mirena được đặt trong tử cung. Không có ảnh hưởng độc hại trên sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh khi đặt dụng cụ Mirena sau khi sinh sáu tuần. Phương pháp này cũng không ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng sữa.
Khả năng sinh sản: Sau khi tháo bỏ Mirena, phụ nữ có thể trở lại mang thai bình thường.

Tương tác

Sự chuyển hoá của progestogen có thể sẽ tăng lên khi dùng đồng thời với các chất đã được biết là làm tăng men chuyển hoá thuốc, đặc biệt là men cytochrome P450, ví dụ như thuốc chống co giật (như phenobarbital, phenytoin, carbamazepin), thuốc chống nhiễm trùng (rifampicin, rifabutin, nevirapine, efavirenz). Hiện chưa rõ ảnh hưởng của các thuốc này tới hiệu quả của Mirena nhưng những ảnh hưởng này sẽ không có những tác động quan trọng đối với cơ chế hoạt động tại chỗ của dụng cụ.

Tác dụng ngoại ý

Tóm tắt các dữ liệu về độ an toàn
Phần lớn phụ nữ sau khi đặt Mirena đều xảy ra thay đổi về chảy máu kinh nguyệt. Trong 90 ngày đầu tiên sử dụng, thời kỳ kinh nguyệt kéo dài ở 22% và chảy máu bất thường ở 67% phụ nữ đặt Mirena sau khi có kinh và giảm xuống lần lượt còn 3% và 19% vào cuối năm đó. Đồng thời, mất kinh ở 0% và kinh thưa ở 11% trong 90 ngày đầu tiên sau khi đặt thuốc và tăng lên tương ứng là 16% và 57% vào cuối năm.
Khi sử dụng kết hợp Mirena và liệu pháp thay thế estrogen liên tục, sự mất kinh sẽ xảy ra từ từ ở hầu hết phụ nữ trong năm đầu tiên.
Bảng danh sách các phản ứng có hại
Tần suất gặp các phản ứng có hại (ADR) khi sử dụng Mirena được tóm tắt trong bảng 2. Tần suất gặp được quy ước theo các mức độ như sau: rất thường gặp (≥1/10), thường gặp (≥1/100 đến <1/10), ít gặp (≥1/1.000 đến <1/100), hiếm gặp (≥1/10.000 đến <1/1.000) và không rõ. Bảng 2 sử dụng hệ thống phân loại MedDRA theo hệ cơ quan (MedDRA SOCs) để mô tả các phản ứng có hại. Tần suất gặp ở đây chỉ là những số liệu thô về tỷ lệ xảy ra các biến cố có hại quan sát được từ các thử nghiệm lâm sàng với chỉ định tránh thai và rong kinh nguyên phát/chảy máu kinh nặng, trong đó có 5091 phụ nữ tham gia với 12.101 năm sinh sản.
Tần suất gặp các phản ứng có hại quan sát được từ các thử nghiệm lâm sàng với chỉ định dự phòng tăng sinh nội mạc tử cung trong khi sử dụng liệu pháp thay thế estrogen (gồm có 514 phụ nữ tham gia với 1218,9 năm sinh sản) cũng tương tự như trên, một số trường hợp đặc biệt sẽ được lưu ý ở phía dưới.
- xem Bảng 2.

Mô tả một số phản ứng có hại chọn lọc
Nguy cơ tương đối xảy ra thai lạc chỗ tăng lên khi người phụ nữ bắt đầu mang thai với Mirena vẫn đang được đặt trong tử cung.
Dụng cụ đặt tử cung có thể bị rơi ra khỏi vị trí khi giao hợp với bạn tình.
Hiện chưa rõ về nguy cơ xảy ra ung thư vú khi sử dụng Mirena với chỉ định dự phòng tăng sinh nội mạc tử cung trong khi sử dụng liệu pháp thay thế estrogen. Đã có báo cáo về những trường hợp ung thư vú (chưa rõ tần suất gặp, xem phần Cảnh báo).
Những ADR sau có liên quan đến việc đặt hoặc tháo gỡ Mirena: Đau do làm thủ thuật, chảy máu do làm thủ thuật, các phản ứng trên dây thần kinh phế vị có liên quan đến việc đặt dụng cụ trong tử cung gồm hoa mắt, chóng mặt và ngất. Việc đặt hay tháo gỡ dụng cụ này cũng khiến dễ xảy ra cơn co giật ở bệnh nhân động kinh. Các trường hợp nhiễm trùng huyết (bao gồm cả nhiễm trùng huyết do Streptococcus nhóm A) đã được báo cáo sau khi đặt dụng cụ tử cung (xem phần Cảnh báo).

Bảo quản

Bảo quản dưới 30oC.

Phân loại ATC

G03AC03

Trình bày/Đóng gói

Dụng cụ đặt tử cung:
+ Dụng cụ và các phần đi kèm được đóng gói trong 1 túi gắn kín TYVEK vô khuẩn.
+ Đối với phần dụng cụ đặt trong tử cung: được đóng trong vỉ chịu nhiệt, có nắp có thể xé được.

   

A